Giá vàng đứng trước nhiều áp lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 10/9 tới. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp đến đồng Euro, qua đó tác động đến USD và giá vàng.

Tính chung trong phiên giao dịch ngày hôm qua, 7/9, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm tổng cộng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Sang đến sáng nay, doanh nghiệp này tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Theo đó, giá mua – bán vàng miếng SJC tại đây đang là 55,60 – 56,40 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 55,60 – 56,42 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Trong khi đó, tại DOJI, giá vàng giảm tới 150 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, giảm 300 nghìn đồng/lượng chiều bán ra tính đến 10h30 sáng nay, đưa giá Âu vàng Phúc Long/SJC của doanh nghiệp này về mức 55,75 – 56,20 triệu đồng/lượng.

Tại các doanh nghiệp khác, giá vàng phổ biến xoay quanh 55,80 – 56,30 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang trong giai đoạn điều chỉnh

Giá vàng đang trong giai đoạn điều chỉnh

Trên thị trường thế giới, giá vàng những phiên gần đây trong xu hướng điều chỉnh nhẹ. Vàng giao ngay trên sàn New York đã giảm gần 2 USD trong phiên ngày thứ Hai (đêm qua theo giờ Việt Nam ), còn tại thị trường châu Á sáng nay kim loại quý này tiếp tục giảm thêm khoảng 5 USD, về quanh 1.924 USD/ounce.

Đồng USD đang tăng giá trở lại đã tạo áp lực khá lớn lên giá vàng thế giới. Đà tăng của đồng USD có thể tiếp tục được củng cố nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra chính sách ôn hòa hơn, vì theo thống kê mới nhất tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm đáng kể.

Hiện tại, giới đầu tư đang dồn sự chú ý lên cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 10/9 tới. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sẽ tác động trực tiếp đến đồng Euro, qua đó tác động đến USD và giá vàng.

ECB đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0% từ năm 2016. Thế nhưng, Euro lại đang có xu hướng tăng mạnh so với USD do Fed cắt giảm lãi suất xuống gần 0% và nới lỏng định lượng không giới hạn.

Euro mạnh sẽ khiến đà giảm lạm phát của khu vực càng mạnh hơn. Điều này không tích cực trong bối cảnh kinh tế khu vực này liên tục tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm nay. Thêm vào đó, chính sách lãi suất của ECB đã gần như đã hết dư địa điều chỉnh.

Trên thực tế, ECB có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức âm, nhưng điều này không hỗ trợ cho kinh tế khu vực trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục tăng quy mô Chương trình mua trái phiếu chính phủ ứng phó Covid-19 (PEPP).

Nếu ECB tiếp tục gia tăng quy mô chương trình PEPP, khiến Euro giảm so với USD thì giá vàng sẽ chịu thêm áp lực điều chỉnh.