Giá vàng diễn biến ra sao trước thông tin siêu biến thể Covid-19 mới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia tỏ ra khó dự đoán hơn về xu hướng giá vàng tuần tới, mặc dù lạm phát cao và siêu biến thể Covid mới tại Nam Phi được cho là sẽ hỗ trợ kim loại quý.

Sau khi đạt đỉnh 62 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đã liên tục giảm sâu, có lúc xuống sát 59 triệu đồng/lượng. Sau đó kim loại quý lại hồi phục trở lại, đáng kể chỉ trong phiên giao dịch ngày thứ 6, vàng đã tăng tới 900 nghìn đồng/lượng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần vào hôm qua, giá vàng lại quay đầu giảm thêm 200 – 250 nghìn đồng/lượng. Theo đó, vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt tuần tại 60,00 – 60,85 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 60,00 – 60,87 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Có thể thấy giá vàng trong nước từ đầu tháng đến nay biến động chóng mặt, liên tục tăng sốc rồi giảm sâu. Về cơ bản, vàng trong nước có diễn biến theo chiều hướng của vàng thế giới nhưng các doanh nghiệp trong nước luôn điều chỉnh mức tăng – giảm lớn hơn nhiều so với thế giới. Điều này khiến chênh lệch giá vàng giữa 2 thị trường ở mức cao, hiện tại vàng trong nước đang cao hơn thế giới ở mức kỷ lục là hơn 11 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí, gia công).

Giá vàng trong nước đang chênh lệch rất lớn với vàng thế giới

Giá vàng trong nước đang chênh lệch rất lớn với vàng thế giới

Cụ thể, giá vàng thế giới tuần qua đã chốt tại mức sát 1.792 USD/ounce, đã có sự phục hồi nhẹ so với cách đây vài phiên với mức tăng chỉ khoảng 3 USD, thấp hơn nhiều so với mức tăng của vàng trong nước.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, sở dĩ giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch quá cao là do đã lâu, Ngân hàng Nhà nước không cấp hạn mức cho nhập vàng nguyên liệu để dập vàng miếng SJC, cũng như sản xuất vàng nữ trang.

Cùng với đó, sự độc quyền của thương hiệu vàng SJC khiến cung vàng ở thị trường nội địa bị hạn chế, do đó các doanh nghiệp buộc phải nới rộng chênh lệch mua vào – bán ra để giảm rủi ro. Chênh lệch giá mua – bán ở mức cao cũng khiến người dân không mấy mặn mà với việc mua vàng.

Theo các chuyên gia, việc giá vàng thoát khỏi mức thấp nhất gần 3 tuần trong bối cảnh các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán, bitcoin giảm cho thấy có một nỗi sợ hãi khá rõ ràng về một biến thể Covid-19 mới đang thúc đẩy cơn hoảng loạn bán các tài sản rủi ro.

Mặc dù vẫn chưa có nhiều thông tin về biến thể mới ở Nam Phi, nhưng có những lo ngại rằng hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ bị hạn chế khi các chính phủ có thể thực hiện các biện pháp đóng cửa mới để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới này. Nói cách khác, nguy cơ lạm phát mới sẽ ngày càng tăng.

Mặc dù vàng dường như được hỗ trợ tốt bởi những thông tin này, song sẽ vẫn còn rất nhiều thiệt hại cần sửa chữa sau đợt bán tháo lớn vào đầu tuần trước thông tin Tổng thống Joe Biden thông báo rằng ông sẽ đề cử Jerome Powell tiếp tục làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang.

Hiện nay, đánh giá của các nhà phân tích cũng như các nhà đầu tư đang khá phân tán và trái chiều, cho thấy giá vàng tuần tới sẽ diễn biến khó lường. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News Weekly Gold, các chuyên gia phân tích Phố Wall đang chia đều cho 3 kỳ vọng: tăng – giảm – và trung lập đối với xu hướng kim loại quý này.

Trong khi các nhà đầu tư tham gia khảo sát trực tuyến trên Main Street thì có 67% cho rằng vàng sẽ tăng trong tuần tới; 20% cho rằng vàng giảm giá và 13% còn lại có quan điểm trung lập.