Giá vàng có thể vào “vùng nguy hiểm” khi đồng USD lập đỉnh 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia đang lo ngại về việc thị trường kim loại quý có thể bán tháo nếu vàng thế giới không giữ được mốc 1.800 USD, khi áp lực đồng USD ngày một lớn.

Sau 2 phiên tăng, thị trường kim loại quý đã quay đầu đi xuống. Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, thương hiệu vàng SJC giảm khoảng 300 nghìn đồng mỗi lượng gần như trên toàn thị trường. Theo đó, mức giá niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang là 69,40 – 70,00 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 69,40 – 70,02 triệu đồng/lượng (Hà Nội). Đây cũng là mức giá giao dịch phổ biến đối với thương hiệu vàng SJC.

Giá vàng trong nước mất đà tăng khi vàng thế giới cũng có phiên trượt dốc dài. Trong phiên giao dịch ngày 12/5 (đêm qua giờ Việt Nam) kim loại quý này đã đánh mất hơn 31 USD mỗi ounce, về quanh vùng 1.821 USD/ounce.

Một đợt tăng đột biến khác của đồng đô la Mỹ đã kéo vàng giảm trở lại. Chỉ số đô la Mỹ US Dolla Index đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm trở lại đây, ở mức 104,80.

Giá vàng đang chịu áp lực lớn từ đồng USD

Giá vàng đang chịu áp lực lớn từ đồng USD

Theo các chuyên gia, ngưỡng hỗ trợ vững chắc của vàng là 1.800 USD/ounce, nhưng việc phá vỡ ngưỡng này có thể dẫn đến tình trạng bán tháo nhiều hơn.

Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya cho biết: “Đồng đô la đã đặt vàng vào vùng nguy hiểm và việc phá vỡ mức 1.800 đô la có thể dẫn đến việc bán kỹ thuật hơn nữa”. Ông cho rằng, vàng sẽ không thể thu hút bất kỳ sự chú ý nào cho đến khi động thái này của đồng đô la kết thúc.

Cuộc vật lộn của vàng sau khi xuống dưới mức 1.900 USD/ounce đã xảy ra đồng thời với đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ. Các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng chống lạm phát mà không gây ra suy thoái của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Các chiến lược gia tại TD Securities cũng cho biết, tình trạng bán tháo trên thị trường đang tạo ra khoảng trống thanh khoản, điều này cũng làm tổn hại đến vàng.

Chiều thứ Năm, thị trường cũng tiêu hóa thông tin Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. Cuộc bỏ phiếu cho thấy sự ủng hộ rộng rãi đối với ông Powell sau khi Cục Dự trữ Liên bang quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 5, mức tăng cao nhất kể từ năm 2000.

Các thị trường hiện đang định giá 93% cơ hội tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 6 và 90% cơ hội tăng 50 điểm nữa vào tháng 7, theo CME FedWatch Tool (công cụ dự báo lãi suất của Fed).

Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: “Lạm phát có thể sẽ vẫn cao hơn trước đại dịch vì chi phí tiền lương đang tăng mạnh do thị trường lao động thắt chặt. Do đó, Fed vẫn chịu áp lực tăng lãi suất đáng kể. Các nhà kinh tế của chúng tôi kỳ vọng việc tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong ba cuộc họp tiếp theo của Fed. Lãi suất chủ chốt có khả năng đạt 3,0% vào cuối năm nay".