Giá vàng bị “nhấn chìm” bởi USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng thế giới giảm sâu xuống mức thấp nhất 10 tuần qua do áp lực từ sức mạnh đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Vàng trong nước do vậy cũng liên tục giảm.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ, giá vàng trong nước tiếp tục xu hướng đi xuống. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang niêm yết mức 69,20 – 69,90 triệu đồng/lượng tại TP.HCM; 69,20 – 60,92 triệu đồng/lượng tại Hà Nội và các thị trường khác.

So với chốt phiên liền trước, thương hiệu vàng này giữ nguyên mức giá chiều mua vào và giảm nhẹ 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Và đây cũng là mức giá phổ biến đối với thương hiệu vàng quốc gia đang được các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn niêm yết.

Trước đó, giá vàng trong nước đã có những phiên giảm khá mạnh trước kỳ nghỉ lễ, rời khỏi ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường kim loại quý thế giới.

Sau khi mất mốc 1.900 USD/ounce, vàng thế giới tiếp tục bị kéo lùi sâu khỏi mốc này và hiện đang giao dịch quanh 1.861 USD/ounce. Đà giảm này được “hãm phanh” trong phiên giao dịch ngày 3/5 (đêm qua theo giờ Việt Nam) khi các nhà giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn đã có động thái mua vào ngắn hạn sau khi vàng đạt mức thấp nhất trong 10 tuần qua, vào hôm thứ Hai.

Giá vàng đã giảm sâu trước áp lực từ đồng USD

Giá vàng đã giảm sâu trước áp lực từ đồng USD

Kim loại quý đang chịu áp lực rất lớn từ sức mạnh đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu tăng. Nó dường như đã “phớt lờ” các yếu tố thúc đẩy thông thường và chỉ tập trung vào đồng đô la Mỹ, với việc giảm khoảng 50 USD mỗi ounce vào ngày bắt đầu giao dịch tháng Năm.

John LaForge, người đứng đầu chiến lược tài sản thực của Wells Fargo cho rằng, cách ứng xử của vàng trong năm nay đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên, đặc biệt là khi kim loại quý này chọn cách “phớt lờ” tâm lý chấp nhận rủi ro/ rủi ro trên thị trường.

“Nó dường như không muốn phản ứng với bất cứ điều gì bên ngoài đô la Mỹ và điều đó đã diễn ra trong một năm rưỡi vừa qua”, LaForge nói.

Vàng thường phản ứng với lãi suất thực và tâm lý chấp nhận rủi ro hay rủi ro trên thị trường chứng khoán… Nhưng tất cả các mối quan hệ này đã thay đổi khi vàng tập trung vào đồng USD. Điều này đặc biệt được cảm nhận vào thứ Hai khi chỉ số đô la Mỹ đang giao dịch gần mức cao nhất trong 20 năm và vàng thì đã giảm tới 50 USD.

Dù vậy, vị chuyên gia này vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại, ông dự đoán mức 2.100 USD/ounce vào cuối năm. Cơ sở cho nhận định của Wells Fargo bao gồm tăng trưởng cung, cầu vàng và triển vọng kỹ thuật.

Ông cho rằng các nguyên tắc cơ bản vẫn là tốt cho kim loại quý. Nguồn cung tăng trưởng rất thấp, ở mức thấp nhất trong 5 năm này và chúng ta không sản xuất đủ vàng. Vì vậy, miễn là dân số vẫn tăng, tiền vẫn ở trong hệ thống thì vẫn cần một lượng vàng tăng trưởng nhất định về nguồn cung. Trong khi đó, nguồn cung hiện nay là không theo kịp nhu cầu.

Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng trong khoảng 5 năm qua vẫn còn nguyên vẹn, dù xem xét đến cả yếu tố sức mạnh của đồng USD. “Chúng ta đang ở trong một môi trường mà các tài sản phòng thủ sẽ hoạt động tốt” – ông nói.

Điểm dữ liệu kinh tế trong tuần mà thị trường vàng đang mong đợi, đó là cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FOMC) bắt đầu vào sáng thứ Ba và kết thúc vào chiều thứ Tư (đêm nay giờ Việt Nam) với một tuyên bố sẽ được đưa ra. Nhiều người tin rằng Fed sẽ nâng mức lãi suất chủ chốt của Mỹ thêm 0,5%, trong bối cảnh mức lạm phát cao nhất trong 40 năm. Cùng với đó là báo cáo việc làm hàng tháng của Hoa Kỳ sẽ được công bố vào sáng thứ Sáu.