Giá trị của thất bại

ANTĐ - Andy lại thất nghiệp lần thứ 18 kể từ khi bắt đầu đi làm. Không chịu đầu hàng, anh nộp đơn ứng tuyển vào một công ty lớn. Qua 3 vòng thi rất cam go, Andy bị loại ở vòng cuối cùng.

Andy nghĩ ngợi một lúc rồi quyết định không về nhà mà ngồi lại chờ phỏng vấn cùng 11 người lọt vào vòng cuối. Khi  phát hiện có đến 12 người tham dự, Tổng giám đốc hỏi: “Ai trong số các vị đã bị loại”?. “Thưa ông, là tôi”, Andy đứng dậy trả lời, “Tôi bị loại nhưng tôi tin mình có thể trúng tuyển nên vẫn muốn thử sức ở vòng cuối cùng này”.

Mọi người trong phòng đều bật cười, kể cả ông già đứng phục vụ nước cạnh bàn. Vị Tổng giám đốc vừa ngạc nhiên, vừa tò mò hỏi tiếp: “Vậy anh có khả năng gì”?. “Tôi chỉ tốt nghiệp đại học và là một nhân viên bình thường nhưng tôi có 11 năm kinh nghiệm làm việc và đã từng làm việc cho 18 công ty khác nhau”, rất tự tin, Andy trả lời. “Bằng cấp, học lực và chức vụ của anh đều ở mức trung bình. 11 năm kinh nghiệm làm tại 18 công ty khác nhau đúng là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên với tư cách là nhà tuyển dụng, chúng tôi không thích điều này”, vị tổng giám đốc ngắt lời. Nhưng Andy vẫn nói tiếp: “Thưa ông, tôi không hề chuyển công ty mà 18 công ty tôi đã từng làm việc đều… phá sản”.

Tất cả mọi người trong phòng lại cười ồ nhưng Andy vẫn bình tĩnh nói tiếp: “Tôi cho rằng đó mới chính là điểm mạnh của riêng tôi mà không phải ai trong quí vị ở đây cũng có được. Tôi hiểu rất rõ 18 công ty đó bởi tôi đã từng cùng những đồng nghiệp của mình chung lưng đấu cật để kéo chúng khỏi bờ vực phá sản. Tuy không thành nhưng tôi đã học được rất nhiều từ những sai lầm khiến công ty thất bại. Đa số chúng ta thường muốn học hỏi những kinh nghiệm để thành công, nhưng tôi chắc chắn những kinh nghiệm để thành công thường tương đồng nhưng lý do để dẫn đến thất bại thì luôn khác nhau trong khi chúng ta lại rất dễ phạm sai lầm của kẻ khác”.

Nói xong, Andy đứng dậy cúi chào Ban tuyển dụng. Khi đi ngang qua ông già phục vụ nước, Andy quay đầu lại mỉm cười: “11 năm với 18 công ty khác nhau cho tôi có được sự quan sát và óc phân tích về người và việc. Vì vậy, tôi biết rõ người ra quyết định cuối cùng ở đây chính là ông, Tổng giám đốc”.

Cả 11 thí sinh trong phòng đều ngạc nhiên, còn ông già phục vụ mỉm cười hài lòng: “Rất giỏi! Anh sẽ là người đầu tiên được chọn”.

Nhất định không được nản chí rồi bỏ cuộc và hãy biết cách biến nhược điểm của mình thành ưu điểm, cho thấy sự khác biệt của mình, bạn sẽ thành công.