Giá thép tăng phi mã, nhà thầu dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam méo mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong vòng nửa năm qua, giá thép do một số nhà máy cung cấp cho nhà thầu tại các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đã tăng tới 28 lần.

Việc thiếu hụt đất đắp nền đe dọa chậm tiến độ tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam còn chưa được xử lý thì thời gian gần đây, giá sắt thép bất ngờ tăng vọt cũng khiến nhiều dự án “méo mặt”.

Đại diện nhiều nhà thầu đang tham gia thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam như dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - QL45 đều bày tỏ sự lo ngại về giá thép tăng phi mã. Thậm chí, có trường hợp kể từ khi ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT đến nay thì giá thép đã tăng 28 lượt.

Một nhà thầu đang thi công cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây cho biết, chỉ tính riêng thép Hòa Phát từ ngày 3/12/2020 đến nay đã 28 lần tăng giá với biên độ mỗi lần từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn.

Giá thép xây dựng đang tăng chóng mặt khiến nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam méo mặt

Giá thép xây dựng đang tăng chóng mặt khiến nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc- Nam méo mặt

Cụ thể, giá thép Hòa Phát vào thời điểm ngày 3/12/2020 có giá 11.600 đồng/kg, đến ngày 12/5/2021, giá thép tại nhà máy (chưa VAT) được báo giá 17.250 đồng/kg.

Tập đoàn Vinaconex hiện đang đảm nhiệm vai trò nhà thầu đứng đầu liên danh tại 3 gói thầu lớn nhất thuộc 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - QL45 cũng trong cảnh khó khăn.

Theo Vinaconex, khối lượng thép để phục vụ thi công các gói thầu này khoảng 58.316 tấn.

Giá thép tại thời điểm ký hợp đồng 3 gói thầu dao động từ 11.300 - 12.120 đồng/kg. Giá thép trung bình tháng 5/2021 được các nhà cung cấp báo giá khoảng 17.395 đồng. Dự kiến, tập đoàn này phải bù lỗ của các nhà thầu tại 3 gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành thông tin, tháng 9/2020, khi bỏ thầu gói XL-13 cao tốc Mai Sơn - QL45, giá thép trên thị trường khoảng 11.000 đồng/kg.

Đến tháng 12/2020, nhà thầu bắt đầu triển khai thi công, giá thép mua vào đã tăng lên 12.000 đồng/kg. Gần nhất, ngày 21/5/2021, nhà cung cấp báo giá thép cho Công ty Phương Thành lên tới 19.500 đồng/kg, tăng khoảng 70 - 80% so với giá bỏ thầu.

Nhiều nhà thầu lớn đều tỏ ra lo ngại, với đà tăng giá thép có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ, tổng mức đầu tư của các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam trong thời gian tới khi các công trình hầm, cầu lớn bước vào giai đoạn thi công kết cấu chính như: Vỏ hầm, thân trụ, dầm đúc hẫng, dầm Super-T…

Ban QLDA Thăng Long đề xuất Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Sở xây dựng các tỉnh, thành phố ban hành công bố giá, chỉ số giá theo tháng sát với thực tế thị trường để ban có cơ sở điều chỉnh giá trong quá trình thi công, kịp thời tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính cho các nhà thầu.

Về phía nhà thầu, ông Phạm Văn Khôi cho biết thêm, năm 2008 cũng xảy ra tình trạng “bão giá”, khi đó, các nhà thầu cũng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh giá từ phương pháp điều chỉnh theo chỉ số giá sang bù giá trực tiếp.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, tất cả gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công đều áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá.

Chỉ số giá do các địa phương công bố làm cơ sở để cơ quan chức năng điều chỉnh giá các gói thầu. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng hoặc có công bố nhưng giá và chỉ số giá không theo kịp giá thị trường.

“Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA khẩn trương báo cáo vướng mắc về tình hình biến động giá vật liệu, nhất là giá thép trong quá trình thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu”, ông Tiến nói.