“Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều vấn đề dưới những góc nhìn đa dạng và sâu sắc tại Tọa đàm với chủ đề: “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” vừa được Tạp chí Công Thương thực hiện.

Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt, tạo ra xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước thành viên.

Thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở rộng đường cho hàng hóa Việt sang các thị trường mới mẻ và tiềm năng trong Hiệp định. Tham gia CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức cắt giảm thuế quan rất ưu đãi nhất là các mặt hàng có thế mạnh. Tuy nhiên, ưu đãi thuế quan lớn cũng đi kèm với điều kiện về xuất xứ, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm nghiêm ngặt hơn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại.

Sau hơn 3 năm thực thi, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi xuất xứ thực hiện trong CPTPP còn chưa cao, đặc biệt ở một số nhóm ngành hàng trọng điểm. Điều này, khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng lợi thế trong thời kỳ “một mình một chợ” khi thực thi CPTPP.

Điều gì khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội ưu đãi thuế quan từ CPTPP? Và làm thế nào để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ trong CPTPP?

Những vấn đề này đã được trao đổi dưới những góc nhìn đa dạng và sâu sắc tại Tọa đàm với chủ đề: “Gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP” do Tạp chí Công Thương thực hiện.

Dự buổi Tọa đàm có ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương); bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco); và kết nối trực tuyến qua nền tảng Zoom từ tỉnh Bình Dương, với sự tham gia của ông Trần Thế Phương - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bình Dương

Tại Tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương chia sẻ về những điểm nổi bật trong kết quả tận dụng cơ hội từ CPTPP của các doanh nghiệp Việt Nam trong 3 năm vừa qua; đánh giá thành công bước đầu cũng như chỉ rõ những cơ hội mà Việt Nam chưa tận dụng được hết.

Ông Khanh cho rằng, những mặt được lớn nhất mà chúng ta thu được từ CPTPP ở khía cạnh doanh nghiệp đầu tiên, đó chính là nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp về FTA nói chung và hiệp định CPTPP nói riêng đã cải thiện đáng kể. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy tỉ lệ các doanh nghiệp hiểu về Hiệp định CPTPP hay hiểu rõ về Hiệp định CPTPP đã tăng trưởng rất mạnh. Thứ hai về mặt được, kim ngạch xuất khẩu của chúng ta sang CPTPP nói chung và đặc biệt là sang ba thị trường FTA mới, tức thị trường của chúng ta chưa có FTA khi ký CPTPP là Canada, Mexico, Peru tăng trưởng rất mạnh và đặc biệt chúng ta cũng để ý về cán cân thương mại thì thặng dư thương mại từ riêng hai thị trường Canada và Mexico đã là một con số rất đáng kể.

Bên cạnh đó, ông Ngô Chung Khanh nhìn nhận, mặc dù chúng ta xuất khẩu sang Canada, Mexico tăng giá trị tăng nhưng tỷ trọng của hai thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Cùng với đó là những mặt hàng mà chúng ta có tỷ lệ tận dụng tốt thì giá trị còn tương đối khiêm tốn. Còn ở những mặt hàng mà chúng ta xuất khẩu giá trị cao thì tỷ lệ lại tận dụng lại còn tương đối khiêm tốn.

Tại Tọa đàm, bà Đỗ Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ những đánh giá về tình hình tận dụng ưu đãi thuế quan của doanh nghiệp Việt Nam sau ba năm vừa qua chúng ta thực thi CPTPP; Điểm nổi bật trong việc tận dụng các ưu đãi, ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp; Những ngành hàng, thị trường nào có tỷ lệ tận dụng ưu đãi lớn và những nhóm ngành nào còn khá hạn chế trong vấn đề tận dụng tỷ lệ ưu đãi…

Theo bà Hương, những thị trường Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Úc hay New Zealand, thì các doanh nghiệp sẽ chủ yếu tận dụng những hiệp định mà Việt Nam đã ký kết trước đây, ví dụ như Hiệp định ANZ hoặc là Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản. Tuy nhiên thì tỷ lệ sử dụng Hiệp định CPTPP đối với các thị trường này hiện đang ở mức thấp nhưng tăng dần đều trong những năm vừa qua, cho nên sự quan tâm của doanh nghiệp đối với CPTPP cũng đang tăng. Đối với những thị trường khác cũng như vậy.

Đối với vấn đề nếu xét riêng những nước mà chúng ta chưa có FTA thì cơ cấu mặt hàng tận dụng được tốt ưu đãi CPTPP như thế nào? Bà Hương lấy ví dụ như Canada là một thị trường mới thì có những nhóm hàng tỷ lệ sử dụng C/O rất cao. Còn đối với nhóm hàng có mức độ sử dụng trung bình khoảng 50% chẳng hạn thì có nhựa là nhóm hàng sử dụng trung bình còn nhóm hàng sử dụng thấp có dệt may khoảng trên 10%, hàng nội thất gỗ khoảng 38%, đồ thủ công mỹ nghệ 48% và các sản phẩm giấy là 21%.

Có sự chênh lệch giữa các nhóm hàng về tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi của CPTPP ở Canada nói riêng và CPTPP nói chung, theo bà Hương là do ba yếu tố.

Thứ nhất vẫn là câu chuyện chênh lệch giữa thuế MFN tối huệ quốc với thuế CPTPP. Thứ hai dù là thuế MFN hay CPTPP có chênh nhưng có một số mặt hàng chênh không nhiều, chênh chỉ 1-2% thôi và 1-2% này có lẽ là cũng không đủ động lực cho các doanh nghiệp có thể đi xin C/O để để tận dụng ưu đãi này; và điểm thứ ba là nó có tính đặc thù CPTPP và đặc thù với cả hàng dệt may chính là khó nhất trong các FTA từ xưa đến nay là quy tắc ba công đoạn. Đấy là lý giải tại sao hàng dệt may trong CPTPP, tỷ lệ sử dụng còn đang khá thấp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ về thực tế tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP của May Hưng Yên trong thời gian qua để có thể gia tăng xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên.

Nhấn mạnh vấn đề “Ngành may vẫn khó khăn với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, ông Dương đồng tình với đánh giá của đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương). Trong ba năm qua sau khi thực hiện CPTPP, tỷ lệ xin xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan rất thấp. Bởi vì trong số 7 nước đã ký CPTPP thì chúng ta hầu như đã có hiệp định song phương hoặc đa phương, thế cho nên gần như đã tận dụng từ trước, nhưng việc thay đổi, thậm chí song phương như Việt Nam - Nhật Bản thì còn dễ hơn so với CPTPP, điều kiện để hưởng thuế suất còn 0% giữa ta với Nhật Bản, còn lại mấy nước chúng ta ký thêm, ví dụ như Canada, Mexico, Peru thì đối với ngành dệt may thì Mexico cũng là một trong những cường quốc dệt may, họ sản xuất dệt may tương đối tốt và chính vì thế cho xuất khẩu vào Mỹ tương đối nhiều và kể cả Bắc Mỹ, cả Canada.

“Đối với ngành may thì chính từ xuất xứ, từ vấn đề yarn-forward, tức từ sợi trở đi cho nên chính lẽ này mà hiện tại ngành dệt Việt Nam chưa có thể cung cấp được những nguyên liệu đầy đủ theo xuất xứ để chúng ta hưởng được điều này. Đây là một điều đối với ngành nói chung và đối với Tổng công ty chúng tôi nói riêng cũng đều vấp vào điều này cả”, ông Dương bày tỏ.

Ông Dương cho rằng, chúng ta đang có lợi thế tận dụng, ta có cơ sở hạ tầng, có đầy đủ các thứ, nhưng nhất định phải cần thêm một số vấn đề thay đổi về chính sách, chế độ. Muốn tận dụng được mức từ 17% bình quân của Mỹ chẳng hạn hoặc vào một số các nước của Châu Âu chẳng hạn xuống 0% là một số con số rất lớn đấy nhưng để đầu tư thì đầu tư như thế nào, thay vì việc chẳng hạn người ta tính toán thì người ta một mét vải ở Trung Quốc, chẳng hạn giá giảm hơn độ 30% so với vải sản xuất ở Việt Nam thì lợi ích về thuế không đủ để san lấp, chính vì thế người ta chưa thể làm được. “Tôi cho rằng đấy cũng là điều cũng chia sẻ, chúng tôi rất mong muốn, cũng rất khát khao muốn cầu thị muốn làm thế nào đó để có thể tận dụng được CPTPP hoặc là các FTA của các thị trường khác như hiện nay thì đang vướng phải rất nhiều vấn đề”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên nói.

Nhiều vấn đề khác cũng đã được ông Dương chia sẻ tại Tọa đàm, như Khó khăn trong đầu tư xử lý nước thải làm giảm cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn môi trường thực sự ra là chính chúng ta đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường để chúng ta thực hiện, còn đối với nước ngoài tất nhiên họ cũng đang hướng tới vấn đề xanh nhưng không phải là ngay, ngay kể cả Châu Âu, chẳng hạn như là vấn đề nguyên liệu dùng lại, tái chế được hoặc là vấn đề xanh, giảm carbon không phải là ngay. Nhưng hiện nay các doanh nghiệp khi phát triển ngành dệt may vào Việt Nam thì đang vấp ngay những khó khăn mà chúng ta đang đặt ra.

Ở góc độ của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thi, đã có ngay những đánh giá xung quanh vấn đề vị đại diện Tổng Công ty may Hưng Yên đưa ra. Bày tỏ sự đồng cảm với các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh đầu tư, xuất khẩu và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Thi nhấn mạnh, một quy định chúng ta thấy trong cái thời gian vừa qua thì bảo vệ môi trường ở nước ta càng ngày càng được nâng cao và chặt chẽ hơn. Nó có nhiều lý do.

Thứ nhất, là thực trạng về ô nhiễm môi trường của chúng ta đã rất là nghiêm trọng. Thứ hai là chúng ta thực hiện các cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, trong đấy có các hiệp định đa phương về môi trường và hôm nay chúng ta cũng đã nói ở đây chính là Hiệp định FTA thế hệ mới là CPTPP, hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này thì ngoài các cam kết rất mạnh mẽ về đầu tư và thương mại thì cũng đưa ra yêu cầu rất cao về bảo vệ môi trường cũng như thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh thái.

Đặt trước bối cảnh toàn cầu như thế, chúng ta thấy rõ ràng là việc bảo vệ môi trường ảnh hưởng mạnh đến thương mại và đầu tư. Chính vì vậy mà CPTPP đưa ra cam kết cao về bảo vệ môi trường là có lý do của nó.

Và ở góc độ của địa phương, ông Trần Thế Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương chia sẻ về thực tiễn tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong trong Hiệp định CPTPP thời gian qua; việc đáp ứng những tiêu chuẩn để tận dụng ưu đãi xuất xứ tại Bình Dương được thực hiện như thế nào trong thời gian qua; và Bình Dương có chủ trương khuyến khích cũng như hỗ trợ việc tiếp cận và sử dụng xuất xứ ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để xây dựng được những cơ sở sản xuất đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Hiệp định đưa ra.

Ông Phương nhấn mạnh, đến nay sau ba năm thực hiện, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều có nhận thức và hiểu biết nhất định về cam kết và thị trường các nước CPTPP, đặc biệt là các cam kết cắt giảm thuế quan, các quy định để được cấp xuất xứ hàng hóa C/O sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Giai đoạn 2019 – 2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về xuất xứ hàng hóa, cam kết cắt giảm thuế quan trong Hiệp định CPTPP cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút hơn gần 500 lượt doanh nghiệp tham gia.

Tin cùng chuyên mục