Gia tăng trẻ bị rối loạn tâm lý, tự tử do bố mẹ, nhà trường thiếu quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cuộc khảo sát do Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện với 834 học sinh tại Hà Nội cho kết quả gần 31% số trẻ bị trầm cảm với các mức độ khác nhau, tỷ lệ trẻ nữ bị cao hơn trẻ nam…

Điều trị cho trẻ bị rối loạn tâm thần tại BV Nhi trung ương

Điều trị cho trẻ bị rối loạn tâm thần tại BV Nhi trung ương

Tại hội thảo Rối loạn tâm thần tuổi học đường vừa diễn ra ở Hà Nội chiều 24-11, TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại khoa tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh từ 12 tuổi trở lên bị sang chấn tâm lý, rối loạn trầm cảm.

Nhiều trường hợp để lại hậu quả nặng nề, thậm chí nảy sinh các hành động bồng bột như tự gây thương tích, tự tử.

Chẳng hạn, mới đây, một bé gái 12 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê, dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng đã quá muộn, sau vài giờ gia đình xin đưa con về.

Theo lời kể, trước đó, trẻ bị cô giáo phê bình vì ở trên lớp nói chuyện, làm việc riêng dù em đã thanh minh rằng mình không làm điều này. Về nhà, gia đình lại yêu cầu em viết bản kiểm điểm. Sau đó, gia đình phát hiện em treo cổ ở trên tầng 2, vội đưa đi cấp cứu nhưng không còn kịp nữa.

Một trường hợp khác cũng vào điều trị tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương là bé gái 13 tuổi ở Hà Nội. Cô bé không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai. Khi anh trai đi du học, cô bé rơi vào trạng thái hụt hẫng rồi kéo dài thành trầm cảm, từng có ý tưởng tự sát.

Tại hội thảo, các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam được công bố cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần giao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm 14%, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9%.

Đáng chú ý, năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên. Kết quả cho tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31% và Hưng Yên là gần 19%.

Khảo sát cũng cho thấy, ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có xu hướng cao hơn. Trẻ nữ có tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ sống trong gia đình có mâu thuẫn cũng tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp.

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em, đặc biệt lứa tuổi học đường có tâm lý sinh lý cơ thể chưa ổn định, rất dễ bị rối loạn, kích thích bởi môi trường. Nếu quan tâm không đầy đủ, không đúng cách cách khiến trẻ hết sức mong manh, nhạy cảm, dễ đi vào rối loạn tâm sinh lý, rối loạn tâm thần.

Với những trường hợp này, nếu không phát hiện, can thiệp sớm và đúng cách thì sẽ để lại hậu quả khôn lường, nhẹ thì học hành sút kém, thiếp tập trung, nặng hơn gây rối loạn về hành vi, tâm thần.