Gia tăng niềm tin đối với mức độ an toàn của vaccine phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 30.000 người đã được khảo sát và các nhà khoa học nhận thấy, niềm tin đối với sự an toàn của vaccine đang gia tăng trên khắp châu Âu.
Hàng loạt các công ty dược phẩm lớn trên thế giới tiên phong trong cuộc đua bào chế vaccine phòng ngừa Covid-19

Hàng loạt các công ty dược phẩm lớn trên thế giới tiên phong trong cuộc đua bào chế vaccine phòng ngừa Covid-19

Gia tăng mức độ tin tưởng đối với sự an toàn của vaccine

Theo cuộc khảo sát toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay về niềm tin đối với vaccine được công bố ngày 11-9 trên Tạp chí Y khoa Lancet, có mối liên hệ rõ ràng giữa bất ổn chính trị và thông tin sai lệch và mức độ tin tưởng đối với sự an toàn của dược phẩm. Cụ thể, niềm tin của công chúng đối với mức độ an toàn của vaccine đang gia tăng tại châu Âu dù có phần đi xuống tại một số khu vực châu Á và châu Phi.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát gần 30.000 người và nhận thấy niềm tin đối với sự an toàn của vaccine đang gia tăng, dù có một số trường hợp ngoại lệ, trên khắp châu Âu. Tại Pháp, nơi niềm tin của công chúng vào vaccine vốn luôn ở mức thấp trong nhiều thập kỷ, số người ủng hộ mạnh mẽ đối với sự an toàn của vaccine đã tăng từ 22% lên 30%.

Tại Anh, niềm tin vào độ an toàn của vaccine cũng tăng từ 47% hồi tháng 5-2018 lên 52% vào tháng 11-2019. Tuy nhiên, Ba Lan và Serbia lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể niềm tin của công chúng đối với vaccine. Trong khi đó, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019, Afghanistan, Philippines, Indonesia, Nigeria và Pakistan lại chứng kiến sự gia tăng đáng kể số người phản đối mạnh mẽ sự an toàn của vaccine.

Tại Azerbaijan, sự ngờ vực của công chúng đối với vaccine đã tăng vọt từ 2% lên 17% trong cùng giai đoạn. Các tác giả nghiên cứu cho rằng xu hướng đáng lo ngại này một phần do bất ổn chính trị và tôn giáo cực đoan. Bà Hiedi Larson, thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Vương quốc Anh) - Trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định thông tin sai lệch lan tràn trên mạng cũng là nguyên nhân khiến người dân mất niềm tin vào vaccine. Bà Hiedi Larson cũng lưu ý việc công chúng không còn niềm tin với các chính trị gia nói chung cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua tìm kiếm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các nhà nghiên cứu cảnh báo Chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư vào các chiến dịch thông tin công cộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi trào lưu phản đối vaccine là 1 trong 10 mối đe dọa y tế toàn cầu hàng đầu. Trong những năm gần đây, sự sụt giảm trong tỷ lệ tiêm chủng đã dẫn tới sự bùng phát các căn bệnh đáng lẽ có thể phòng tránh được như bại liệt và sởi.

EU đặt mua hàng trăm triệu liều vaccine của BioNtech-Pfizer

BioNTech-Pfizer trở thành Hãng dược phẩm thứ 6 mà Ủy ban châu Âu (EC) ký kết hợp đồng mua vaccine phòng chống Covid-19, sau các Hãng Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna và AstraZeneca. Ủy ban châu Âu (EC) đã kết thúc đàm phán sơ bộ với Hãng dược phẩm BioNTech-Pfizer, liên doanh Đức - Mỹ, về hợp đồng cung cấp từ 200 triệu tới 300 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khi hãng này kết thúc thành công giai đoạn thử nghiệm vaccine cuối cùng, dự kiến vào cuối năm nay.

Trong tuyên bố ngày 9-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - bà Ursula von der Leyen cho biết đây là cơ hội tốt để phát triển và cung cấp một vaccine phòng ngừa Covid-19 hiệu quả và an toàn cho người dân châu Âu. Cuối tháng 7, BioN Tech-Pfizer đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn trên 25.000 người trên toàn thế giới. Nếu kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu, cuối tháng 10 tới, hãng này sẽ đệ đơn xin cấp phép sản xuất hàng loạt và cung ứng ra thị trường vaccine phòng Covid-19. Hãng sẽ sản suất hàng trăm triệu liều vaccine vào cuối năm nay và dự định sản xuất 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.

Các hãng dược cam kết về nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19

9 công ty dược phẩm lớn trên thế giới tiên phong trong cuộc đua bào chế vaccine phòng ngừa Covid-19 đã cùng cam kết “không đốt cháy giai đoạn” trong công tác nghiên cứu khoa học. Lời cam kết được đưa ra bất chấp việc các công ty này đang phải đối mặt với áp lực gấp rút tung ra thị trường “tấm khiên bảo vệ” mạng sống con người trước virus SARS-CoV-2.

BioNTech-Pfizer trở thành hãng dược phẩm thứ 6 mà Ủy ban châu Âu (EC) ký kết hợp đồng mua vaccine phòng Covid-19. Trước đó, EC đã thống nhất với các Hãng dược phẩm Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna và AstraZeneca. Tuy nhiên, sáng 9-9, AstraZeneca thông báo tạm ngừng thử nghiệm vaccine của hãng này sau khi một tình nguyện viên xuất hiện những rối loạn chưa rõ nguyên nhân.

Bằng việc đa dạng các đối tác thông qua việc chi trả một phần rủi ro về đầu tư và hỗ trợ năng lực sản xuất cho các hãng dược, EU đã gia tăng cơ hội được ưu tiên sớm có được vaccine phòng Covid-19. Trước đó, Mỹ đã chi 1,95 tỷ USD để đặt mua 100 triệu liều vaccine của BioNtech/Pfizer. Nhật Bản cũng đã ký kết một thỏa thuận với liên danh này để có được 120 triệu liều vaccine.

Thống đốc bang Sao Paolo của Brazil, ông Joao Doria cho biết vaccine phòng Covid-19 do Trung Quốc sản xuất và đang được thử nghiệm tại nước này đã có kết quả tích cực, mở ra triển vọng sớm có vaccine và tiêm phòng mở rộng cho người dân vào đầu tháng 12 tới. Sao Paulo là bang tâm dịch của Brazil và là 1 trong 6 bang đang được thử nghiệm vaccine CoronaVac do Công ty dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Kết quả thử nghiệm cho thấy 98% bệnh nhân trên 60 tuổi không có những phản ứng tiêu cực. Sinovac liên kết với Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Brazil thuộc Viện Butatan và đang tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine CoronaVac. Nếu kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu, Butatan sẽ sản xuất 120 triệu liều vaccine .

Công ty Dược phẩm Dasa của Brazil và Hãng sản xuất dược phẩm của Mỹ COVAXX ngày 9-9 đã nhất trí tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 vaccine phòng chống Covid-19 với 3.000 tình nguyện viên tại quốc gia Mỹ Latin này. Chính phủ Brazil cũng đã chi 360 triệu USD đặt mua vaccine phòng ngừa Covid-19 tiềm năng do trường Đại học Oxford của Anh và Hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển. Hiện Brazil là nước đi đầu trong chương trình thử nghiệm vaccine phòng ngừa Covid-19 trên diện rộng. Nước này hiện ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ 3 thế giới (4,19 triệu ca), sau Mỹ (6,54 triệu ca) và Ấn Độ (4,37 triệu ca).

Tiến bộ của y học có thể chữa khỏi nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Giới chuyên gia tại Pháp và Mỹ nhận định y học đang đạt tiến bộ hơn trong điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 so với thời điểm trước khi dịch bùng phát, theo đó có thể cứu chữa cho nhiều ca bệnh nặng. Theo các chuyên gia, các bác sỹ đã điều trị thành công cho nhiều ca bệnh Covid-19 nặng nhờ sử dụng các loại thuốc kháng viêm chứa steroid.

Kể từ tháng 6 vừa qua, một số nghiên cứu đã chứng tỏ các thuốc steroid hiệu quả trong điều trị các ca mắc Covid-19 thể nặng. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa JAMA (Mỹ) ngày 2-9 phát hiện tỷ lệ tử vong ở những ca bệnh nặng giảm 21% sau 28 ngày điều trị bằng steroid so với những người không dùng các loại thuốc chống viêm. Trong khi đó, các loại thuốc khác không giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo nên dùng thuốc chống viêm chứa corticosteroid hơn là các loại thuốc không chứa corticosteroid để điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nặng và nguy kịch. Chuyên gia Marc Leone thuộc Hội Y khoa chăm sóc đặc biệt và gây mê (Pháp) cho biết một chuyển biến tích cực khác trong điều trị bệnh Covid-19 là sử dụng thuốc chống đông máu sớm hơn và tích cực hơn.

Phương pháp này giúp giảm nguy cơ rối loạn đông máu, một biến chứng nguy hiểm của bệnh Covid-19. Ngoài ra, các y bác sĩ cũng đạt tiến bộ trong chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng và nguy kịch. Trước đây, bệnh nhân nặng thường sớm được đặt ống nội khí quản - phương pháp có vai trò sống còn trong một số trường hợp song có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng.

Tại Đức, một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa The Lancet tháng 7 vừa qua cho thấy 53% trong số bệnh nhân Covid-19 được đặt ống nội khí quản đã tử vong. Con số này tăng lên 72% ở những bệnh nhân trên 80 tuổi. Hiện nay, các y bác sĩ sẽ tìm mọi cách có thể để hạn chế sử dụng thủ thuật xâm lấn này ở bệnh nhân Covid-19.

Liệu pháp oxy cao áp là một kỹ thuật giúp thay thế cho đặt ống nội khí quản. Chuyên gia Jean-Damien Ricard thuộc Bệnh viện Louis - Mourier (Pháp) cho biết liệu pháp này rất hiệu quả, ít xâm lấn hơn và đơn giản hơn nhiều so với thủ thuật đặt ống nội khí quản. Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo mọi người không nên chủ quan khi thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị căn bệnh nguy hiểm này.