Gia tăng chuyện "chồng nện vợ" vì tâm lý ngại "vạch áo cho người xem lưng"

ANTĐ - Tôi cũng muốn nhờ gia đình và chính quyền nhưng lại không dám chắc chồng có thể từ bỏ ma men. Chỉ sợ khi gia đình và cán bộ hòa giải về rồi, ông ấy lại cho rằng tôi bêu xấu chồng chắc đánh tôi không còn đường sống mất...

Trong rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra nghiêm trọng dưới những nếp nhà và gây khó khăn cho cán bộ hòa giải xuất phát từ tâm lý tự ti, cam chịu, ngại "vạch áo cho người xem lưng" của nạn nhân - những người phụ nữ - là một trong những nguyên nhân cơ bản. Họ muốn giữ bộ mặt êm ấm cho gia đình nhưng lại không hề biết rằng, ''căn bệnh" bạo hành cần được chữa trị bằng "liều thuốc" chia sẻ, giúp đỡ của các cấp chính quyền và cộng đồng.

"Cái nhọt bọt" nhức nhối

Phải khó khăn lắm tôi mới gặp được chị V.T.L (xã Dị Nậu - huyện Thạch Thất) trong căn nhà cấp bốn xây được khoảng 5 năm của gia đình chị. Ngôi nhà nhỏ trống hoác, không có đồ đạc gì có giá trị ngoài một bộ bàn ghế đã cũ, một cái tủ và hai chiếc giường. Như đoán được suy nghĩ của tôi, chị bảo: "Hồi trước khi chồng tôi chưa nghiện rượu và phá phách thì trong nhà cũng đầy đủ lắm, chỉ thiếu mỗi cái điều hòa thôi. Thế mà khi hết tiền mua rượu, ông ấy bán hết cô ạ". Sự tiếc nuối hiện rõ qua cái chép miệng thở dài của chị.

Chị kể, chị sinh ra và lớn lên ở xã Sài Sơn, đến năm 1989 thì quen và kết duyên cùng anh N.V.T ở Dị Nậu qua một thời gian dài tìm hiểu. Tuy chỉ là những người làm ruộng nhưng anh chị sống với nhau rất hạnh phúc. Căn nhà nhỏ luôn rộn tiếng cười con trẻ, khi ba đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống khó khăn nhưng với tình yêu và sự cố gắng vì gia đình, cả hai anh chị đều chịu khó miệt mài làm việc. Ngoài công việc làm nông, anh đi làm thợ gỗ, còn chị cũng đan thêm cái rá, cái rổ đi bán, kiếm thêm thu nhập dư dả cho gia đình. Hơn chục năm hạnh phúc êm đềm trôi qua, những tưởng cuộc sống gia đình cứ bình yên như thế.

Càng im lặng, bạo hành càng có đất phát triển. Ảnh minh họa

Nhưng chị đâu biết, cũng xuất phát từ sự dư dả ấy, chồng chị bắt đầu sinh tật uống rượu. Lúc đầu chỉ thỉnh thoảng rồi dần dần ngày càng nhiều. Chất men ngấm dần vào cơ thể, chồng chị chuyển hẳn sang trạng thái nghiện rượu. Đi làm chểnh mảng rồi bỏ hẳn, ngày nào anh ta cũng tìm người uống rượu, tìm cớ uống rượu. Chỉ trong vong mấy năm, tất cả đồ đạc, tiền của trong nhà dành dụm được đều lần lượt đội nón ra đi. Từ một người đàn ông yêu thương vợ con, chỉ vì làm nô lệ của ma men mà chồng chị biến thành một người chồng vũ phu.

Chị không nhớ nổi bao nhiêu lần bị chồng đánh bắt đưa tiền cho đi uống rượu. Loại "thuốc độc" chết người đó đã bào mòn lương tâm, con người anh. "Mỗi khi say rượu về, anh ấy lấy cớ chửi bới tôi, giật tóc, tát tôi, rồi đập cả ti vi, bát đũa đồ đạc, nếu tôi có khuyên anh uống ít đi. Có những lần tôi đi làm, anh ấy ở nhà gọi cả người đến bán lúa, bán gà lấy tiền". Không chỉ bị đánh đập, khi đêm về, chồng chị lại bắt ép chị quan hệ tình dục, rồi mắng chửi, nhiếc móc chị "vô dụng" vì không biết chiều chồng.

Cay đắng, đau đớn và mệt mỏi nhưng chị luôn giấu nhẹm đi, không chia sẻ với ai. Nhiều khi chị đi làm đồng, mắt thâm tím, nhiều người hàng xóm hỏi thăm thì chị bảo bị ngã ngoài giếng. Chị xấu hổ, chẳng dám kể chuyện nhà mình với bất kỳ ai, sợ người làng cười chê, sợ mang tiếng và sợ chồng đánh nhiều hơn khi chị nhờ cậy sự giúp đỡ. Thế là chị cứ im lặng, cứ chịu đựng, cứ che đậy việc mình bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, dưới vỏ bọc của ngôi nhà tưởng bình yên. Và chồng chị, vẫn tiếp diễn những ngày tháng rượu chè, đánh đập vợ.

Hay trường hợp của chị Đ.T.N (Sài Sơn - Quốc Oai) cũng tương tự. Chồng chị làm nghề lái xe, thu nhập khá nhưng anh ta lại ngoại tình, bao nhiêu tiền làm được đều mang cho cô tình nhân bé nhỏ. Biết chuyện, chị cằn nhằn vì nhà có bao nhiêu việc cần đến tiền, anh ta lại không vun vén cho nhà mà lại "biếu gái". Vừa mới cất lời, chị liền bị chồng thẳng tay tát bốp vào mặt. Không những không hối hận và sửa chữa lỗi lầm, anh ta ngày càng công khai với chị chuyện đi cặp bồ. Vừa bị chồng đánh, vừa bị phản bội nhưng chị chỉ im lặng vì sợ mang tiếng gia đình không hạnh phúc.

Tự ti, che đậy: Nuôi dưỡng nạn bạo hành

Tâm lý xấu hổ, cố gắng che đậy sự việc bởi quan niệm "xấu chàng hổ ai" của những người phụ nữ vô hình trung lại là nguyên nhân khiến "cái nhọt bọc" bạo lực gia đình ngày càng "mưng mủ" gia tăng mạnh hơn.

Trong câu chuyện với tôi và cán bộ hòa giải, chị V.T.L vẫn nơm nớp lo sợ chồng biết chuyện chị tâm sự chuyện nhà với người ngoài. Chị bảo: "Tôi cũng muốn nhờ gia đình và chính quyền nhưng lại không dám chắc chắn chồng có thể từ bỏ ma men. Chỉ sợ khi gia đình và cán bộ hòa giải về rồi, ông ấy lại cho rằng tôi bêu xấu chồng chắc đánh tôi không còn đường sống mất. Im lặng là vàng các chị ạ".

Ảnh minh họa

Hay khi chúng tôi đề cập đến chuyện chồng ngoại tình thì chị Đ.T.N lúc đầu còn giấu, còn chối nhưng khi cán bộ phụ nữ tâm sự thì chị òa khóc. Người phụ nữ bị phản bội, một mình chịu đựng sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong một thời gian dài chẳng dám nhờ ai giúp đỡ. Chị chịu đựng vì sợ hàng xóm láng giềng xấu miếng cười chê, sợ các con ra đường bị người làng bàn tán, chỉ chỏ tội nghiệp. Chị chẳng nghĩ việc chồng đánh, chồng tát là "bạo lực gia đình", mà chỉ nghĩ rằng vợ chồng xô xát, bực tức thì đánh thế thôi. Điều đó chứng tỏ, sự am hiểu những kiến thức pháp luật của những người phụ nữ nơi miền quê này còn nhiều hạn chế.

Qua khảo sát của những người làm công tác tư vấn ở các trung tâm phòng chống bạo lực gia đình thì trước khi xảy ra bạo lực, số người hi vọng được ứng cứu là 42,05%; tìm cách thoát thân là 25,61%; 15,92% sẽ không có hành động tự vệ và 16,43% sẽ có hành động tự vệ. Nhưng khi bạo lực xảy ra, những người phụ nữ muốn kêu cứu là 50%; muốn bỏ chạy là 19,08%; có hành động tự vệ chỉ có 6,94%; đáng ngạc nhiên là những người cam chịu bạo lực lại ở mức 23,98%.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thông thường người phụ nữ khi bị chồng đánh đập, chửi bới sẽ cam chịu, chờ đợi sự tỉnh ngộ của đức ông chồng, không muốn làm to chuyện. Suy nghi ấy sẽ không giúp họ cởi bỏ được nút thắt mâu thuẫn mà chỉ tạo đà cho người chồng lân tới và để lại hậu quả nặng nề. Trong những trường hợp xảy ra bạo lực gia đình, nếu hai vợ chồng giải quyết kín không có hiệu quả, người phụ nữ cần thẳng thắn, mạnh dạn nhờ tới sự giúp đỡ của các cấp chính quyền như hội phụ nữ, tổ hòa giải để bảo vệ chính bản thân mình khỏi bạo lực. Đồng thời, người phụ nữ nên tự tìm hiểu, trang bị kiến thức pháp luật cho bản thân để tránh việc bị xúc phạm về cả thể chất và tinh thần.