Gia tăng các loại tội phạm tại châu Âu mùa dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo các nước châu Âu phải đối mặt với các băng nhóm tội phạm bạo lực, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tình trạng rửa tiền, làm giả vaccine ngừa Covid-19 và các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà.
Cảnh sát Tây Ban Nha triệt phá một đường dây buôn bán ma túy quốc tế với số lượng lớn giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp châu Âu

Cảnh sát Tây Ban Nha triệt phá một đường dây buôn bán ma túy quốc tế với số lượng lớn giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp châu Âu

Châu Âu đang trong tình huống “nguy hiểm” khi đại dịch

Covid-19 hoành hành có thể làm gia tăng các loại hình tội phạm có tổ chức tại châu lục này trong những năm tới. Cụ thể, trong báo cáo “Đánh giá mối đe dọa của tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng” được công bố trung tuần tháng 4-2021, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo các băng nhóm tội phạm bạo lực có khả năng tấn công vào các doanh nghiệp hợp pháp vốn dễ bị “tổn thương” vì thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Không những vậy, chúng còn lợi dụng nỗ lực toàn cầu trong việc đẩy lùi virus SARS-CoV-2 nhằm cung cấp các loại vaccine ngừa Covid-19 và các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà giả mạo. Báo cáo trên Europol được công bố 4 năm 1 lần. Tài liệu này sẽ được các nước thành viên EU sử dụng để đặt ra những ưu tiên trong cuộc chiến phòng, chống tội phạm tới năm 2025.

Tội phạm ma túy

Báo cáo dài 87 trang trên cảnh báo đại dịch kéo dài sẽ làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng cho các nền kinh tế châu Âu và toàn cầu. Suy thoái kinh tế như dự đoán “có thể hình thành các loại tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức trong những năm tới”. Cụ thể, Europol cho biết hoạt động buôn bán ma túy nói riêng đã thúc đẩy tham nhũng trên khắp Liên minh châu Âu (EU).

Số lượng cocaine chưa từng có được buôn sang EU từ Mỹ Latinh đã tạo ra lợi nhuận hàng tỷ Euro cho tội phạm ở cả châu Âu và Nam Mỹ. Độ tinh khiết của cocaine khi được tuồn vào châu Âu được ghi nhận ở mức cao nhất từ trước đến nay tại EU. Việc buôn bán cocaine thúc đẩy tội phạm sử dụng số tiền khổng lồ của chúng để xâm nhập và phá hoại nền kinh tế của EU, các tổ chức công và xã hội. Hồi tháng 2-2021, lực lượng chức năng Đức và Bỉ thông báo đã thu giữ 23 tấn cocaine, có tổng trị giá vài tỷ USD, trên một tàu chở hàng đến từ Paraguay tại cảng Hamburg của Đức. Đây là lượng cocaine bị thu giữ lớn nhất tại châu Âu từ trước đến nay và là một trong những vụ thu giữ lớn nhất trên thế giới. Mặt khác, việc buôn bán cocaine cũng làm gia tăng mức độ bạo lực khi các tội phạm giờ đây không ngần ngại sử dụng súng, lựu đạn cầm tay và hình thức tra tấn.

Trong khi đó, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái đã tác động lớn tới cách thức các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động. Các công ty bị suy yếu do đại dịch có thể trở thành “con mồi” dễ dàng cho các băng nhóm tội phạm muốn hợp pháp hóa hoạt động hoặc lợi dụng các doanh nghiệp hợp pháp làm bình phong cho các hoạt động bất hợp pháp của mình, chẳng hạn như rửa tiền.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng tội phạm không gian mạng, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế chống dịch tại nhiều nước đồng nghĩa ngày càng nhiều người phải sống và làm việc trực tuyến. Do đó, Europol cảnh báo các cơ sở hạ tầng trọng yếu sẽ tiếp tục là mục tiêu tấn công của các tội phạm mạng trong những năm tới. Trong khi đó, lừa đảo và gian lận trực tuyến hiện đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, trong đó có gian lận đầu tư và các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại, cũng như vấn nạn quấy rối tình dục trẻ vị thành niên trên mạng Internet. Europol cũng cảnh báo các tội phạm mạng có khả năng triển khai “các vụ tấn công quy mô lớn và tinh vi nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng để truy cập và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm”.

Tội phạm mạng

Cụ thể, các loại tội phạm mạng đang có xu hướng gia tăng tại Đức. Đại dịch Covid-19 đang mang đến những mục tiêu mới cho các “hacker” - đó là các cổng thông tin tiêm chủng. Mối nguy hiểm lớn nhất của loại tội phạm này là kiểu tấn công đòi tiền chuộc.

Cục Hình sự Liên bang Đức (BKA) cho biết, các vụ tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin tại Đức đã gia tăng đáng kể trong năm qua. Theo báo cáo thường niên của BKA về tình hình tội phạm mạng trên toàn liên bang Đức, trong năm 2020, Cảnh sát Đức ghi nhận hơn 108.000 vụ phạm tội trong lĩnh vực này, tăng khoảng 8% so với năm trước (chỉ chưa tới 1/3 số vụ đã được làm sáng tỏ). Tỷ lệ này gần tương đương với năm 2019. Số vụ phạm tội kiểu này nhiều gấp đôi số vụ được thống kê năm 2015. Theo BKA, khái niệm tội phạm mạng theo nghĩa hẹp được hiểu là “các hành vi phạm tội nhằm vào mạng Internet, hệ thống công nghệ thông tin hoặc các dữ liệu của hệ thống này”. Có thể kể đến các hành vi như cố tình tấn công làm quá tải hoặc tê liệt hệ thống mạng của một tổ chức hoặc một công ty, tấn công vào các dữ liệu của người dùng Internet để đòi tiền chuộc...

BKA cho biết từ quý III-2020, các cuộc tấn công mạng ghi nhận được nhằm vào các cơ quan và doanh nghiệp có liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ngày càng gia tăng, trong đó các cổng thông tin về vaccine và toàn bộ chuỗi cung ứng vaccine là các mục tiêu thường bị nhắm tới. Cảnh sát Đức cũng phát hiện ra rằng một số nhà khai thác nền tảng Darknet đã cố gắng ngăn chặn việc mua bán vaccine giả.

Theo BKA, việc người lao động chuyển sang làm việc tại nhà, cũng như hoạt động dạy và học trực tuyến, đã làm tăng đáng kể “khả năng tấn công trên diện rộng” của tội phạm mạng. Mối đe dọa lớn nhất đối với các cơ quan, doanh nghiệp và cả cá nhân tại Đức là các cuộc tấn công bằng “Ransomware” (một loại virus mã hóa), trong đó cơ sở dữ liệu mà tin tặc nhắm tới được mã hóa bằng phần mềm độc hại. Sau đó, những kẻ phạm tội thường yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc để đổi lấy các dữ liệu đã bị chiếm đoạt.

Tội phạm buôn người

Báo cáo đề cập đến một loạt ví dụ, trong đó có trường hợp nước Đức, nơi các “nhà thổ” tạm thời bị đóng cửa đã dẫn đến sự gia tăng hoạt động mại dâm “chìm” cũng như tình trạng bóc lột và bạo lực ngày càng tồi tệ hơn. Ở một diễn biến khác, báo cáo hàng năm mới nhất của Nhóm chuyên gia về chống buôn người ở châu Âu (GRETA) cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra “những tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người” và các quốc gia nên “tăng cường phòng ngừa” thực trạng này.

Tương tự như vậy, tại Tây Ban Nha, nơi những kẻ buôn người đang có xu hướng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như Airbnb để tìm địa điểm thực hiện hoạt động bóc lột tình dục và che giấu nạn nhân khỏi các cuộc điều tra của cảnh sát. Tại Malta, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc đóng cửa các trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn và ngăn cản Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cũng như các tổ chức phi Chính phủ khác cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho họ. Báo cáo cũng đưa các đề xuất mới để giúp các quốc gia thực hiện nghĩa vụ theo “Công ước Chống buôn bán người” của Ủy hội châu Âu và một lần nữa kêu gọi Liên bang Nga phê chuẩn Công ước này, như 46 quốc gia thành viên khác của Ủy hội châu Âu đã thực hiện.

“Báo cáo của Europol cho thấy trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều tội phạm tìm cách thích nghi để kiếm lợi từ các nhu cầu và nỗi sợ hãi của xã hội. Ở giai đoạn đầu, chúng ta chứng kiến “làn sóng” buôn bán khẩu trang và nước sát khuẩn tay giả. Giờ đây, chúng ta thấy sự gia tăng trong hoạt động buôn bán vaccine và các bộ dụng cụ xét nghiệm giả. Những vaccine giả này là nguy cơ đối với sức khỏe của bạn”.

Bà Catherine De Bolle (Giám đốc Cơ quan Cảnh sát châu Âu - Europol)

“Những kẻ buôn người đã lợi dụng khủng hoảng dịch Covid-19 bằng cách tranh thủ sự khó khăn về kinh tế của nhiều người trong bối cảnh đại dịch. Ngoài ra, trong khi các cơ quan chức năng cảnh báo về sự gia tăng tội phạm liên quan tới bóc lột tình dục và tội phạm mạng, thì việc thiếu nguồn lực và sự chậm trễ trong các thủ tục pháp lý đã cản trở nỗ lực kết tội những kẻ buôn người, để công lý được thực thi và các nạn nhân được bồi thường”.

Bà Helga Gayer (Chủ tịch Nhóm chuyên gia về chống buôn người ở châu Âu - GRETA)

“So với các lĩnh vực khác, lĩnh vực an ninh mạng còn nhiều việc phải làm để đảm bảo một môi trường mạng an toàn, hiệu quả. Một số nguyên nhân chính khiến tội phạm mạng ngày càng gia tăng có thể kể đến như quá trình số hóa đang phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội phạm tội hơn, trình độ của các đối tượng phạm tội ngày càng cao hơn và hoạt động này dần trở thành một loại dịch vụ để cung cấp cho những người có nhu cầu về các cuộc tấn công mạng”.

Ông Horst Seehofer (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức)