Gia tăng bạo lực nhằm vào người nước ngoài ở Nam Phi

ANTD.VN - Những bức ảnh và video về tình trạng cướp bóc, đốt cháy cửa hàng thuộc sở hữu của công dân nước ngoài ở Nam Phi được lan truyền với tốc độ chóng mặt thời gian gần đây. Theo nhà báo Nam Phi Shaazia Ebrahim, cần phải có cái nhìn dài hơi và nghiêm túc, ngừng đổ lỗi cho người nước ngoài về những vấn đề của Nam Phi. 

Gia tăng bạo lực nhằm vào người nước ngoài ở Nam Phi ảnh 1Làn sóng “bài ngoại” gia tăng ở Nam Phi thời gian gần đây

“Bài ngoại”: Vấn đề tồn tại khá lâu ở Nam Phi 

Gần đây nhất, tối 1-9, vụ tấn công bạo lực nhằm vào người nước ngoài đã xảy ra tại Jeppestown - vùng ngoại ô của thành phố Johannesburg. Ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong cuộc hỗn loạn, hàng trăm người bị bắt vì liên quan đến bạo lực. Các cuộc tấn công sau đó lan sang các khu vực khác của Johannesburg, bao gồm khu trung tâm thương mại, khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống như Malvern, Tembisa, Katlehong và Alexandra.

Những lời kêu gọi với hashtag “Nói không với bài ngoại - #SayNoToXenophobia” được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Theo nhận định của các chuyên gia, “bài ngoại” là vấn đề tồn tại khá lâu ở Nam Phi. Năm 2008, thế giới chứng kiến hơn 60 người thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm vào người nước ngoài ở Nam Phi. Nạn “bài ngoại” đã tồn tại ở đất nước này trong thập kỷ qua. Làn sóng “bài ngoại” ở Nam Phi ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị trong khu vực.

“Không thể có lý do để bất kỳ người Nam Phi nào tấn công công dân của quốc gia khác. Tấn công nhằm vào doanh nghiệp thuộc sở hữu của công dân nước ngoài là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Một điều mà chúng ta không thể cho phép xảy ra ở Nam Phi. Tôi muốn vấn đề này phải chấm dứt ngay lập tức”. 

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa 

Các sinh viên Zambian đã tiến hành diễu hành trước trụ sở của Ủy ban Cao cấp Nam Phi. Đại sứ quán Nam Phi ở Nigeria tạm thời đóng cửa sau các cuộc biểu tình. Một số đài phát thanh trong khu vực ngừng phát nhạc Nam Phi. Hiệp hội bóng đá Zambian đã hủy trận giao hữu với đội tuyển quốc gia Nam Phi. Tiwa Savage và Burna Boy - 2 nghệ sĩ nổi tiếng của Nigeria cũng lên tiếng kêu gọi tẩy chay văn hóa Nam Phi.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Nam Phi đã phải ngừng hoạt động ở Zambia và Nigeria. Hãng hàng không Nigeria quyết định cung cấp các chuyến bay miễn phí trở về nhà cho các công dân Nigeria sống ở Nam Phi. Chính phủ Nigeria đã tẩy chay Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Cape Town.

Người dân Nam Phi cũng đều cảm thấy bất an 

Nhà báo Shaazia Ebrahim cho biết, một số người dân Nam Phi bày tỏ sự phẫn nộ, họ coi đó là “một tình huống xấu hổ”. “Là người dân Nam Phi, chúng tôi cảm thấy buồn và tức giận. Không chỉ người nước ngoài mà ngay cả những người dân Nam Phi như chúng tôi đều cảm thấy bất an trong môi trường đầy rẫy bạo lực này. Cách đối xử bạo lực với công dân nước ngoài là lỗi của chúng ta, bắt đầu từ Chính phủ và cuối cùng là một số người dân bình thường”, một người dân Nam Phi chia sẻ. 

“Vẫn rất nhiều người Nam Phi chờ đợi sự lên án mạnh mẽ về tình trạng bạo lực nhằm vào người nước ngoài từ các nhà lãnh đạo nhưng dường như các nhà lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Thậm chí, ngược lại, một số nhà lãnh đạo còn đưa ra quan điểm bài ngoại trong các bài phát biểu của mình”, nhà báo Shaazia Ebrahim cho biết. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi bị đánh giá là chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa. “Họ đánh cắp công việc của chúng tôi” là nguyên nhân mà người Nam Phi lý giải về nạn bài ngoại. Công dân nước ngoài thường bị cho là nguyên nhân buộc người Nam Phi phải làm việc, tạo gánh nặng lên dịch vụ xã hội, làm phụ nữ Nam Phi sợ hãi. “Thật tồi tệ.

Tôi không hiểu họ muốn gì. Họ nói rằng, người nước ngoài đánh cắp việc làm nhưng thực tế, một số người dân không muốn làm việc, họ chỉ muốn tiền”, Lindi Ndebele (26 tuổi), đến từ Zimbabwe nói. Một nghiên cứu công bố năm 2015 cho thấy, khoảng 1/3 công dân nước ngoài được tuyển dụng trong khu vực phi chính thức ở Nam Phi. Những người lao động này không sở hữu đất đai và cũng phải sống cuộc sống vất vả không khác gì những người tấn công họ.

Một số chuyên gia nhận định, ở một đất nước có hơn 29% dân số trong độ tuổi lao động không có việc làm, các cuộc tấn công bài ngoại là bằng chứng cho thấy sự tuyệt vọng của những người nghèo ở Nam Phi đang gia tăng.