Giá sữa vẫn vượt trần

ANTĐ - Nhiều đại lý đã tự ý tăng giá bán lẻ sữa, bất chấp mức giá trần Bộ Tài chính và các nhà sản xuất, phân phối công bố. Trong đó, có loại cao hơn giá trần đến hơn 200.000 đồng/hộp.    

Giá sữa vẫn vượt trần ảnh 1Giá 1 hộp Enfagrow A+3 1,8kg được niêm yết trên website “Sữa giá tốt” cao hơn giá trần 215.600 đồng

Quyết không giảm giá

Thường xuyên mua sữa cho con, chị Trần Thúy Nga (Thái Hà - Đống Đa) theo dõi sát giá sữa, so sánh từng đại lý để chọn nơi có giá tốt nhất. “Từ ngày 20-4-2015, một số doanh nghiệp sữa và nhà phân phối đã kê khai giá sữa theo mức trần do Bộ Tài chính khuyến nghị. Tuy nhiên, nhiều đại lý vẫn bán sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi với mức chênh lớn so với giá khuyến nghị”. Chị Nga dẫn chứng, website của hệ thống cửa hàng Bibomart niêm yết sữa S-26 Progress Gold 524.000 đồng/hộp 900g, website suabim.vn bán lẻ 525.000 đồng/hộp 900g. Tuy nhiên, mức trần bán buôn của sữa này được công khai chỉ 391.309 đồng/hộp. Giá bán lẻ tối đa tới tay người tiêu dùng được khuyến nghị là 450.000 đồng/hộp 900g. Như vậy, đại lý đã bán sản phẩm sữa này cao hơn quy định 74.000-75.000 đồng/hộp. 

Khảo sát thị trường cho thấy, website suagiatot.vn niêm yết giá khá nhiều sản phẩm cao hơn quy định. Cụ thể, Enfamil A+1 220.000 đồng/hộp 400g, cao hơn trần bán lẻ gần 12.000 đồng/hộp; Enfagrow A+3 hộp 650g giá 265.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa là 257.200 đồng/hộp. 

Tương tự, Enfagrow A+3 hộp 900 có giá bán lẻ tối đa chỉ 334.7000 đồng/hộp, nhưng đại lý này bán với giá 445.000 đồng/hộp, cao hơn 101.000 đồng/hộp. Cùng loại sữa này nhưng với hộp 1,8kg, giá trần bán lẻ chỉ 634.400 đồng/hộp, nhưng đại lý giao tới 850.000 đồng/hộp, cao hơn 215.600 đồng/hộp. 

Ngoài ra, đại lý cũng đang bán lẻ “vượt trần” với sữa Friso. Cụ thể, trong khi trần bán lẻ của Friso Gold 3 loại 900g/hộp chỉ ở mức 412.000 đồng/hộp, thì đại lý bán tới 430.000 đồng/hộp, chênh lệch 18.000 đồng/hộp. Mức chênh 17.000 đồng/hộp 1,5kg cũng được ghi nhận với loại sữa này, khi trần bán lẻ chỉ 623.000 đồng/hộp. Bên cạnh đó, một số sản phẩm sữa nội cũng ghi nhận sự tăng giá tùy tiện ở khâu bán lẻ. 

Xử phạt nặng vi phạm

Mới đây, trong cuộc tọa đàm trực tuyến về giá sữa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nếu người tiêu dùng phát hiện đại lý bán sữa cao hơn quy định, hãy thông báo với cơ quan chức năng để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa được biết thông tin về trường hợp nào tự ý nâng giá sữa bị xử phạt.

Theo đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm sữa chủ yếu về chất lượng. “Gần đây không có khiếu nại liên quan đến giá sữa. Cơ quan quản lý cũng cho hay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Nhưng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nên khảo sát thực tế, đến một số đại lý xem từng loại giá ra sao. Nếu vi phạm thì phạt thật nặng. Hiện tại, tôi mới thấy họ công bố mức giảm bao nhiêu phần trăm, nhưng đó là theo sự kê khai của doanh nghiệp, còn thực tế có thể khác” - đại diện VINASTAS nói. 

Bộ Tài chính cho biết, giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn nhiều nước ASEAN. Thời gian vừa qua, cơ quan này đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm giá sữa trong nước như: áp giá trần, cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi… Các biện pháp này đã mang lại hiệu quả nhất định, đa số sản phẩm sữa có giá bán lẻ giảm. Tuy nhiên, để người tiêu dùng được mua sữa với giá hợp lý thì vẫn cần giải pháp căn cơ, không chỉ dừng lại ở các biện pháp hành chính. Đồng thời, những trường hợp vi phạm phải được xử lý thật nặng để răn đe.