Giá sữa rục rịch giảm

ANTĐ - Theo quy định, sau khi quyết định áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa có hiệu lực từ hôm qua (1-6), thì phải tới 21-6 các đại lý, cửa hàng mới bắt buộc bán theo mức trần bán lẻ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ đại lý nhằm giảm giá theo mức trần sớm hơn. 

Giá bán lẻ các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ đồng loạt giảm từ 21-6 tới

Hỗ trợ cho đại lý 

Theo khảo sát của phóng viên, từ hôm qua, giá sữa bán lẻ của hãng Abbott đã chính thức giảm khoảng 13-16%. Cụ thể, 5 loại sữa của Abbott được giảm giá gồm sữa Abbott Grow 3 900g giá 309.700 đồng, giảm còn 267.900 đồng (giảm 13,5%); sữa Grow G-Power vanilla 900g giá 435.000 đồng, giảm còn 372.600 đồng (giảm 14,3%); sữa Similac GainPlus IQ 900g (với Intelli-Pro) giá 503.900 đồng, giảm 16,8% còn 419.200 đồng; sữa Similac GainPlus IQ 1,7kg (với Intelli-Pro) giá cũ là 859.900 đồng, giá mới 716.200 đồng (giảm 16,7%); sữa Grow G-Power vanilla 1,7kg giá cũ 738.500 đồng, giá mới còn 631.400 đồng (giảm 14,5%).

Tuy nhiên, việc giảm giá cũng chưa đồng đều tại các cửa hàng, đại lý. Tại các cửa hàng trên phố Trường Chinh, Tây Sơn... giá bán lẻ về cơ bản vẫn chưa có sự thay đổi. Ví dụ, sữa Ensure của Abbott  hộp 900g có giá 658.000 đồng; Nan Pro 400g của Nestle có giá 377.000 đồng/hộp. Theo lý giải của các cửa hàng này, việc chưa áp dụng giá mới về cơ bản là không sai quy định và nguyên nhân do trước đó các mặt hàng phải nhập về với mức giá cao. 

Để hỗ trợ các đại lý có thể sớm giảm giá bán lẻ, một số doanh nghiệp đã có thông báo hỗ trợ giá sữa gửi cho các cửa hàng, đại lý. Tại nhiều cửa hàng, tờ thông báo đã được dán một cách công khai. Chủ một cửa hàng sữa cho biết, các hãng sữa cam kết hỗ trợ đại lý 100% khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới mà các cửa hàng đã nhập từ trước, để giúp giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng theo mức giá trần. 

Cam kết tuân thủ

Còn theo thông tin từ Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp sữa như Abbott, Mead Johnson đã gửi văn bản tới Bộ này cam kết tuân thủ trần giá sữa. Như vậy, với các cam kết này, có thể hiểu mức giá trần do Bộ Tài chính quy định nằm trong khả năng chấp nhận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn cho rằng việc áp trần giá sữa có thể khiến một số mặt hàng bị lỗ. 

Với các ý kiến từ phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác để bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết: “Trong trường hợp đó, doanh nghiệp có 3 bước, thứ nhất là tự xác định các chi phí để có thể thực hiện được mức giá trần quy định. Thứ hai là cùng với cơ quan nhà nước trao đổi làm rõ các chi phí, qua đó cơ quan quản lý có thể đưa ra những khuyến cáo cần thiết để doanh nghiệp tiết giảm được chi phí. Bước ba có thể xem xét lại giá trần nếu quả thực doanh nghiệp bị lỗ do mức giá trần”.

Trước lo ngại của người dân về việc doanh nghiệp sữa có thể lách quy định trần giá sữa bằng cách thay đổi nhãn hàng để ra khỏi danh mục áp trần giá sữa, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã lường trước những tình huống này. Để ngăn chặn khả năng lách quy định về mức trần, Bộ đã quy định bất kỳ nhãn sữa mới nào cũng đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định và sau 5 ngày kể từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký Bộ Tài chính sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm.