Giá sữa rẻ đến tay người dùng từ ngày 21-6

ANTĐ - Chiều nay (27-5), Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp báo nhằm tiếp tục thông tin tới các cơ quan truyền thông và người tiêu dùng xung quanh việc áp trần đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Giá sữa rẻ đến tay người dùng từ ngày 21-6 ảnh 1

Việc giá sữa giảm sẽ là "món quà" dành cho hơn 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, sẽ chính thức áp dụng giá trần bán lẻ đối với các mặt hàng sữa từ 21-6 tới. Trước ý kiến thắc mắc cho rằng Bộ Tài chính chỉ áp giá trần cho 25 mặt hàng, ông Tuấn khẳng định: “Ngoài 25 sản phẩm trong danh sách áp trần, những sản phẩm sữa khác của trẻ em dưới 6 tuổi, doanh nghiệp sẽ phải kê khai, đăng ký giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét áp dụng giá trần đối với các mặt hàng này”.
Về cách xác định giá bán lẻ tối đa, Bộ Tài chính quy định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng với chi phí khác có liên quan theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền quản lý giá, nhưng tối đa không quá 15% giá bán trần. 
Bảng giá trần sẽ có hiệu lực từ 1-6 tới và được áp dụng trong vòng 6 tháng. Việc thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực và trong khâu bán lẻ chậm nhất là sau 20 ngày. Như vậy, bắt đầu từ ngày 21-6, người tiêu dùng sẽ được mua sữa với mặt bằng giá mới thấp hơn giá cũ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Tài chính khẳng định, đây là biện pháp mang tính chất giai đoạn thời kỳ. Toàn bộ quá trình xây dựng cách tính giá trần đã được xây dựng dựa trên quá trình gặp gỡ tất cả các doanh nghiệp và nhận được sự cam kết tuân thủ pháp luật. 
Xung quanh lo ngại trước việc một số doanh nghiệp tìm các chiêu trò lách luật như thay đổi mẫu mã, giảm trọng lượng, thay đổi công thức về các thành phần trong sữa nhằm giảm giá thành... ông Nghĩa chia sẻ: "Hiện nay chúng tôi chưa thấy tình trạng vi phạm này, song, nếu có xuất hiện chúng tôi nhất định sẽ có biện pháp điều chỉnh. Bộ Tài chính sau khi ban hành Quyết định cũng đã có chỉ đạo sát sao tới các cấp các ngành đảo bảo sự phối hợp, nhất trí cao". 
"Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp thay đổi chất lượng thì phải tính toán chi phí đảm bảo tương quan theo quy định. Ví dụ Abbot có 37 mặt hàng thì chỉ có 5 mặt hàng nằm trong danh sách 25 mặt hàng áp giá trần, còn 32 mặt hàng không có trần sẽ được xác định tương đương", ông Nghĩa lấy ví dụ.
Ngoài ra, doanh nghiệp nào có sản phẩm mới hoàn toàn trên thị trường phải xây dựng giá, kê khai và đăng ký giá với Bộ Tài chính. Cơ quan quản lý giá có quyền kiểm tra chi phí theo 2 phương pháp là phương pháp chi phí và phương pháp so sánh. Đây chính là cách nhằm ngăn chặn các chiêu trò từ phía doanh nghiệp. 
Ông Nghĩa cho rằng: "Tuân thủ áp dụng giá trần chính cách doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đây là một quá trình đòi hỏi sự đồng thuận, phối hợp từ cả doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và bản thân người tiêu dùng. Biện pháp này sẽ được dỡ bỏ khi thị trường bình ổn, con cháu được hưởng đúng với giá trị thực của sữa".
Theo tính toán của doanh nghiệp, khi 25 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ áp giá trần bán buôn, 5 doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn tính toán sẽ bị lỗ trung bình khoảng 4%. Nếu xét về giá trên mỗi dòng sữa, sản phẩm thì giá sữa sẽ giảm bình quân từ 18% đến tối đa 38%. 
Ví dụ, mỗi hộp sữa Abbott Grow 3 hiện có giá bán buôn trên thị trường là 299.000 đồng/hộp, thì tới đây sẽ giảm xuống còn 258.000 đồng/hộp, mức giảm tương đương 15%. Hay như Enfa Grow A+3 tới đây giá bán buôn sẽ giảm về 309.000 đồng/hộp, giảm tới 149.000 đồng so với mức giao buôn hiện tại.
Tuy nhiên, một số sản phẩm sữa sau khi áp giá trần, giá bán lẻ theo tính toán của doanh nghiệp trên cơ sở giá trần của Bộ Tài chính cộng với 15% chi phí tối đa cho phép sẽ cao hơn mức giá bán lẻ hiện tại. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: "Theo quy định, giá sữa bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng sau khi áp trần phải đảm bảo thấp hơn giá bán lẻ đang bán trên thị trường của sản phẩm đó (giá trước khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá). Nếu mức trần bán lẻ cao hơn mức giá hiện tại, thì doanh nghiệp phải tính toán, hạ bớt chi phí, không được cộng mức tối đa 15%, để đảm báo giá đạt mức thấp hơn đúng như Bộ Tài chính quy định".