Giá sữa quá cao, trách nhiệm thuộc về ai?

ANTĐ - Câu chuyện về giá sữa quá cao đã được đề cập trên báo chí từ nhiều tháng nay. Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Y tế có báo cáo về quản lý mặt hàng sữa. Mới đây, cả hai bộ đã có công văn báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên không bộ nào nhận trách nhiệm về mình và câu hỏi dư luận quan tâm là trách nhiệm thuộc về ai trong việc để giá sữa bị đẩy lên quá cao vẫn còn bỏ ngỏ?

Bộ Y tế: Thay tên đổi họ để phù hợp quy chuẩn kỹ thuật

Bộ Y tế vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân khiến giá sữa tăng cao khi đưa mặt hàng này vào danh mục thực phẩm bổ sung. Theo Bộ Y tế, nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn đối với các loại sản phẩm này, thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Y tế đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKT) phân nhóm sản phẩm làm căn cứ cho việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với từng loại sản phẩm. Theo quy định mới của Bộ Y tế, hàng loạt sản phẩm dành cho trẻ nhỏ đã thay đổi tên gọi từ sữa thành “Sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “Thức ăn bổ sung”, “Thực phẩm bổ sung”.

Đổi tên gọi như vậy vì các thành phần trong sản phẩm cho trẻ nhỏ phải đảm bảo phù hợp lứa tuổi, lượng đạm sữa chỉ 11 - 12%, đồng thời phải thêm các vi chất, vitamin giúp cho trẻ tăng trưởng. Trong khi đó sữa là sản phẩm có lượng đạm 34%. Sau khi quy định lại tên gọi cho các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, Bộ Y tế đã có công văn gửi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đề nghị Cục Quản lý giá xem xét và áp giá. Về bản chất, các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh trong các quy chuẩn chất lượng nêu trên là các sản phẩm thuộc nhóm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Luật Giá. Bộ Y tế khẳng định, việc Bộ Y tế ban hành QCKT đối với sản phẩm sữa bột, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ không gây hiểu lầm, cũng như không làm tăng giá sản phẩm này.

Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện quản lý bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với những sản phẩm an toàn với giá hợp lý; đồng thời đề nghị các bộ, ngành tăng cường phối hợp trao đổi giữa các cơ quan để cập nhật thông tin và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn sau khi Nghị định hướng dẫn Luật Giá được ban hành.

Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế trong chương trình Bản tin tài chính kinh doanh trên VTV1 tối ngày 19-9 cũng cho rằng: Cách đây 3 tháng Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá về quy chuẩn có hiệu lực và khẳng định rõ bản chất những sản phẩm này chính là những sản phẩm trước đây đã được quản lý về giá và đề nghị phải quản lý giá. Sau đó ngày    22-8-2013, Cục An toàn thực phẩm đã có cuộc họp với Cục Quản lý giá thống nhất về các nội dung và khẳng định bản chất những sản phẩm này không có thay đổi với sản phẩm trước đây ta gọi là sữa và phải quản lý về giá. Như vậy Bộ Y tế khẳng định việc thay tên đổi họ từ sữa bột thành sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn dinh dưỡng là phù hợp với quy chuẩn chất lượng và không phải là nguyên nhân của việc tăng giá sữa. 

Bộ Tài chính: Làm theo luật 

Sau khi Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng 2 ngày thì Bộ Tài chính cũng có công văn báo cáo Thủ tướng. Theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20-6-2012 và có hiệu lực từ ngày      1-1-2013 thì sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng. Thực hiện theo quy chuẩn này, hầu hết các sản phẩm trước đây là sữa thuộc danh mục bình ổn giá đã được Bộ Y tế quy định tên mới là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng. Với tên gọi mới này thì các sản phẩm trên không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá theo như quy định của Luật Giá. Bộ Tài chính không thể áp giá với những sản phẩm có tên gọi như vậy vì muốn quản lý mặt hàng nào phải căn cứ vào luật. Mà trong luật không có quản lý giá với những mặt hàng có tên gọi thức ăn dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung…

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để quy định cụ thể đối với các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức… trước đây là sữa và xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này. Đồng thời, nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì Bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá thực hiện biện pháp theo quy định của Luật Giá để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Trách nhiệm thuộc về ai? 

Qua nội dung 2 văn bản Bộ Y tế và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng có thể nhận thấy: Bộ Y tế khẳng định những sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung... dù là tên mới nhưng vẫn nằm trong danh mục bình ổn giá và đề nghị Bộ Tài chính quản lý giá đối với những mặt hàng này. Còn Bộ Tài chính lại khẳng định ngược lại các sản phẩm dinh dưỡng với tên mới sẽ ra khỏi danh mục bình ổn giá và kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ và Quốc hội bổ sung vào Danh mục bình ổn giá. Như vậy không một bộ nào nhận trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý khiến giá sữa tăng cao. Có vẻ như quả bóng trách nhiệm đang bị đá đi đá lại giữa hai Bộ Tài chính và Y tế. Cả hai bộ cũng đều cho rằng các hãng sữa không lách luật và không sai trong việc đổi tên mới vì họ chỉ làm theo luật mà thôi. Vậy trách nhiệm thuộc về ai vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa có lời giải đáp. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất khi liên tục phải cắt giảm chi tiêu để mua sữa cho con em mình.