Gia sư cho Khuyển

(ANTĐ) - “Chuyện khuyển Hà thành” - một khái niệm đang dần trở nên quen tai đối với không ít người dân Hà Nội. Nuôi khuyển cũng chính vì thế mà trở thành một thú chơi thật lắm công phu!

Cánh chơi khuyển cho hay nhiều gia đình đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để sở hữu những chú khuyển. Chưa hết, họ còn tìm đến các huấn luyện viên để dạy dỗ cho thú cưng của gia đình mình. Theo thời gian, vượt qua những hội chứng, mốt thời thượng, huấn luyện viên khuyển không còn là một nghề nuôi dạy thú thuần túy, mà được nâng lên thành một môn “nghệ thuật” thực thụ.

 

Âu cũng vì đức tính cao đẹp mà con người luôn tôn thờ - lòng trung thành - mà những chú chó hiện diện trong mỗi gia đình người Việt ngày một thêm nhiều. Không chỉ bó hẹp với những chú chó ta, cảnh Nhật rộ lên thuở nào, giờ những chú chó ngoại cũng được nhập khẩu về Việt Nam. Đặc biệt trong số đó phải kể tên Ngao Tây Tạng, German Shepherd, Rottweiler, Doberman, Labrador, Golden Retriever… Sở hữu những giống chó được nhiều người ưa thích, chưa chịu dừng lại, nhiều chủ nhân còn muốn chúng trở nên thông minh hơn nên đã tìm đến các HLV để cho chó của mình “tầm sư học đạo”. Có cầu tất có cung, để đáp ứng nhu cầu nuôi dạy chó của đông đảo người chơi, những HLV chó cũng từ đấy xuất hiện. Ngoài những cơ sở huấn luyện chó nổi tiếng như: Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ (TTHLCNV) Bộ Công an; TTHLCNV PDS; TTHLCNV Hoàng Gia; Đội quản lý sử dụng chó nghiệp vụ (Phòng PC65), trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ BĐBP…; thì hiện nay có không ít “gia sư” có tên tuổi trong làng huấn luyện chó. Ngoài việc gửi chó lên các trung tâm để huấn luyện trong thời gian nhất định, nhiều gia chủ đã thuê riêng “gia sư” về huấn luyện chó tại gia.
Anh Ngọc Minh (Hà Nội), người khá “nổi tiếng” trên các diễn đàn huấn luyện chó cho biết, việc huấn luyện nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Một chú chó con sẽ dễ dàng tiếp nhận những bài tập luyện và tạo thành thói quen tốt hơn. Còn chó lớn đã hình thành những thói quen về mọi hoạt động sinh lý của cơ thể, đã ăn sâu khá lâu trong “tiềm thức” của chó nên rất khó để luyện tập lại”.

Anh Trần Quốc Đạt, chủ trang trại nuôi - huấn luyện chó tại Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ: “Tùy theo giống chó (bảo vệ: German Shepherd, Rottweiler, Doberman…; chó cảnh: Labrador, Golden Retriever…) sẽ có các cách huấn luyện khác nhau. Giống chó nào cũng có thể dạy, tùy vào chỉ số thông minh và mức tiếp thu của từng con. Và chó cũng phải “đi học” đúng độ tuổi. Trong giai đoạn từ 4 đến 7 tháng tuổi - giai đoạn nhận thức của chó phát triển cao nhất, chưa hình thành nhiều thói quen - là thời điểm huấn luyện tốt nhất. Phần quan trọng còn lại phụ thuộc rất nhiều vào thầy, vào chủ có biết cách chăm sóc, huấn luyện và gần chó có đủ lâu để giúp chúng nghe - hiểu những hiệu lệnh. Với thời lượng 1 tuần dạy 1 đến 2 buổi sẽ không đảm bảo mức độ tiếp thu khiến thời gian huấn luyện bị kéo dài.

Lấy giống chó German  Shepherd (chúng ta quen gọi là Béc-giê Đức) với chỉ số thông minh rất cao làm chuẩn, 1 tuần 3 buổi, mỗi buổi 1 đến 1,5 tiếng sẽ mất tối thiểu 7 tháng huấn luyện để giúp chúng thành thục tất cả các bài tập. Trước khi nhận dạy bất kỳ một con chó nào, người huấn luyện cũng phải kiểm tra những phản xạ, sự nhanh nhạy và thông minh của con chó bằng các bài tập đơn giản như sủa, kỷ luật: đứng - dậy - nằm… Tùy từng loại chó, từng độ tuổi, từng độ vận động mà có chế độ huấn luyện khác nhau.

 
Việc các gia đình khá giả thuê HLV chó nghiệp vụ về dạy chó nhà đã trở thành hiện tượng khá phổ biến

Thời gian đầu, chó được làm quen với những bài học đơn giản như lê, bò, vượt chướng ngại vật… Mức độ khó của các bài tập tăng dần, lần lượt sẽ dạy tính kỷ luật, bài khó nhất là nhận biết vật - trông vật và tấn công. Khi huấn luyện dạy chó tại nhà, nhất thiết gia chủ phải có mặt để trực tiếp xem, không ngoa khi nói rằng “chủ và chó cùng học”. Giảng dạy phải kết hợp cả khẩu lệnh lẫn hiệu lệnh, nhưng khẩu lệnh quan trọng hơn” - “Khi có người thứ 3 ngoài HLV và chủ nhân biết hiệu lệnh có thể điều khiển được con chó hay không?” thì được anh Trần Quốc Đạt khẳng định: “Không thể điều khiển được con chó bởi giữa nó và người lạ không có sự thân thuộc. Trong tiềm thức của một con chó chỉ biết đến một người chủ, những người còn lại trong gia đình nó nhận thức đó đơn thuần là người thân. Đối tượng này cũng có thể ra hiệu lệnh, con chó cũng thực hiện nhưng ở tư thế miễn cưỡng chứ không nghe lệnh một cách tuyệt đối như với chủ nhân chính thức của mình”.

Chính vì vậy, theo kinh nghiệm được đúc rút trong nhiều năm đã được “cô đọng” trong 3 bí quyết để huấn luyện chó hiệu quả đó là: Nên bắt đầu huấn luyện từ chó non. Hãy giữ tính hòa đồng bày đàn và cảm mến của HLV khi huấn luyện; bởi bản năng chó có tính bầy đàn rất cao, khi không có trong cộng đồng chó thì con người dường như không thể thiếu được để làm cân bằng tâm lý cho chó khi huấn luyện.

Chó không thể hiểu được toàn bộ ngôn ngữ của con người, nhưng bằng tình cảm thực sự của mình, HLV có thể làm mất đi tính cảnh giác, đa nghi và cô đơn của chó khi không sống trong cộng đồng “loài” của mình. Đơn giản HLV phải là “người bạn” thực sự của chó, rồi không cần nhiều ngôn ngữ, chó sẽ dễ dàng hiểu và vâng lời HLV. Một HLV hiền hậu, có phương pháp sẽ dạy chó tốn ít thời gian mà hiệu quả chất lượng dạy cao hơn là chỉ hò hét các khẩu lệnh cứng nhắc. Bí quyết cuối cùng là phòng tránh lỗi hơn tìm lỗi để sửa.

Theo kinh nghiệm lâu năm nuôi dạy chó, anh Đỗ Ngọc Nguyễn (Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) đúc kết: “Đối với các gia đình chưa vững về kinh tế chỉ nên dừng lại ở việc dạy tính kỷ luật; gia đình có kinh tế thì chỉ nên dạy đến trông vật. Bởi chi phí cho việc huấn luyện hiện nay khá tốn kém với biên độ rộng, nếu đơn thuần mang tính sơ đẳng thì khoảng từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Tại gia đình nên nuôi những giống chó thân thiện như  Golden Retriever, German Shepherd, Alaskan, Samoyed… Tránh nuôi những giống chó hung dữ như Pitbull, Ngao Tây Tạng... bởi đây là loài chỉ biết đúng một chủ, khó nuôi và nên tránh tiếp xúc với trẻ con. Không nên thuê “gia sư” về nhà để huấn luyện chó tấn công vì có thể gây nguy hiểm. Bởi trong mỗi con chó đều có bản năng bảo vệ, trông coi… vậy nên chỉ huấn luyện để con chó chuyên nghiệp hơn mà thôi”.
* * *
Sở hữu một chú chó thuần chủng thông minh, tin tưởng giao chúng cho những HLV giàu kinh nghiệm để “đào tạo” thành “tài” là cả một câu chuyện dài.  Trên cương vị huấn luyện, HLV đóng vai trò “mẹ nuôi” với con chó, đến khi trưởng thành trao lại nó cho chủ nhân đích thực. Huấn luyện sao để con chó tinh khôn sẽ luôn sát cánh bên chủ nhân của nó tới hơi thở cuối cùng là một công việc không hề dễ dàng.

Muốn vậy, trong thời gian “ở tạm” bên nhau, buộc HLV và con chó phải nhanh chóng gần gũi, thân thiết, hòa đồng trở thành đôi bạn không thể chia lìa. Trung tá Krasimir Dobrev, Giám đốc Cơ sở huấn luyện chó nghiệp vụ trực thuộc Cảnh sát Quận Benkovski, Thủ đô Sofia, Bulgaria đã từng nhận định về vai trò mật thiết giữa các HLV với loài động vật được tôn vinh là “Người bạn tốt nhất của con người” rằng: “Mối tương quan giữa các chú chó và người huấn luyện thật vô cùng khăng khít.

Nôm na như một thực thể thống nhất có cùng khối óc và con tim vậy. Đôi khi chúng còn có khả năng thực thi mệnh lệnh qua nét mặt của người huấn luyện. Nếu không có “sợi dây ràng buộc” vô hình ấy, ắt chẳng bao giờ dẫn đến thành công”.