Giá phân bón “tăng nóng”, hai bộ họp khẩn tìm cách bình ổn giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chỉ tính từ đầu năm 2021, giá phân bón đã tăng đến 73%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT vừa họp khẩn để tìm hướng giải quyết tình trạng này.
Giá nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận chuyển khiến giá phân bón tăng cao

Giá nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận chuyển khiến giá phân bón tăng cao

Theo Bộ NN&PTNT, hàng năm, nước ta sử dụng trên 10 triệu tấn phân bón. Năm 2020, sử dụng 10,23 triệu tấn, trong đó 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Hiện nay, tổng công suất đăng ký của các nhà máy phân bón trong nước là 29,25 triệu tấn.

6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón các loại đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ, tăng 11,7% so cùng kỳ 2020. Phân bón nhập khẩu đạt khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15%, lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667.000 tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù vậy, giá phân bón liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho hay, sau thời gian tăng giá kỷ lục vào cuối năm 2018, giá phân bón đã liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 7-2020. Từ đó đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây. Đặc biệt, từ đầu năm 2021, giá phân bón trong nước đã tăng trung bình 50 - 73%, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Nói về nguyên nhân khiến giá phân bón tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón. Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 được kiểm soát ở mức độ nhất định tại các thị trường lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc ... đã khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng này phục hồi rất nhanh.

"Nhiều nguyên liệu đầu vào tăng là nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng. Bên cạnh đó là vấn đề vận chuyển, logistics. Nhiều doanh nghiệp đã có hàng nhưng không vận chuyển được khiến giá tăng cao”- Cục trưởng Cục Hóa chất nói.

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước sẽ không tăng trong những năm gần đây. Hiện công suất sản xuất của chúng ta gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ. Do đó, không có chuyện cung cầu đứt gãy khi nguồn cung phân bón còn dư.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Thế Chuyên- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) nhấn mạnh: “Nếu nói giá phân bón tăng do bấp cập cung cầu là không đúng. Mà nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19”.

Vì vậy, theo ông Bùi Thế Chuyên, để bình ổn thị trường phân bón cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Quan trọng hơn cả là bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…

Để bình ổn thị trường phân bón, liên Bộ Công Thương- NN&PTNT đã thống nhất nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều hình thức như giảm giá thành sản phẩm; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tiếp tục cố gắng, bảo đảm chạy đúng công suất trên cơ sở bảo đảm an toàn cho công nhân, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mục tiêu cung cấp đầy đủ nhu cầu phân bón cho thị trường.

Đặc biệt, cần tối ưu hóa chi phí để phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhấp. “Ưu tiên dành phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, dừng xuất khẩu… Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo lực lượng QLTT các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giảm sát để bình ổn thị trường phân bón, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất-kinh doanh phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.