Giá như không quá đà

ANTĐ - Nhiều khi ngẫm nghĩ sự đời thật lắm chuyện dở cười, dở mếu. Ở một huyện thuần nông của Hà Nội có trường tiểu học yêu cầu cha mẹ học sinh mua đồng phục cho trẻ giá bằng một tạ thóc!

- Đồng phục kiểu đó có lẽ không thua kém gì đồng phục của nhân viên văn phòng, công sở. Vậy mà năm học này ngành giáo dục Hà Nội lại phát động phong trào “ba đủ”: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đồ dùng học tập. 

- Ấy thế mới trớ trêu! Giá như ông được nhìn thấy ảnh hai cô cậu học sinh xúng xính trong bộ đồng phục đó, thì cứ tưởng là con cái đại gia ở nhà lầu, đi xe... 4 bánh.

- “Y phục xứng kỳ đức”, đồng phục xứng gia cảnh, hoàn cảnh địa phương, nếu không thì dân không đồng thuận mà học sinh cũng chẳng phục tùng. 

- Theo tôi, chẳng qua là người lớn vẫn mắc bệnh thành tích, bệnh hình thức, chạy theo phong trào “đồng phục hóa” cho… đẹp mặt nhà trường.

- Nói thật tôi rất dị ứng với những gì gắn với chữ “hóa”: đô thị hóa, xã hội hóa, nội địa hóa, kiên cố hóa, bê tông hóa…

- Giá như không quá đà thì đâu đến nỗi. Chẳng hạn như phong trào kiên cố hóa trường, lớp học, cơ quan thanh tra đề nghị xử lý kinh tế 215 tỷ đồng, xử lý hành chính 263 tập thể và 200 cá nhân sai phạm ở các địa phương. 

 -Từ bộ đồng phục “hoành tráng”, đến thực trạng trường, lớp chưa dùng đã lún nứt, nền gạch bong tróc… quả là dở cười, dở mếu.