Giá như châu Âu biết lắng nghe lời cảnh báo của Nga

ANTĐ -Ngày 22-3 đã trở thành “ngày đen tối” của châu Âu, khi một loạt vụ nổ bom tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels của Bỉ đã khiến hơn 30 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương. Loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu này đang đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn, về năng lực của lực lượng chống khủng bố, công tác an ninh, cũng như nguy cơ các vụ tấn công tái diễn...

Giá như châu Âu biết lắng nghe lời cảnh báo của Nga ảnh 1Người dân Nga đặt hoa tại Đại sứ quán Bỉ ở Moscow, tưởng niệm các nạn nhân trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu hôm 22-3

Các chuyên gia Nga đã có những phân tích và cảnh báo về những nguyên nhân và hàm ý của hành động chiến tranh mới, chống lại thế giới văn minh do các nhóm Hồi giáo cực đoan gây ra.

Theo Sergei Zheleznyak, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga, thực tế loạt vụ khủng bố ngày 22-3, đã được nhóm Hồi giáo cực đoan IS đứng ra nhận trách nhiệm, được tiến hành tại thành phố được xem như trái tim của châu Âu, nơi đặt trụ sở các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều cơ quan quốc tế khác, đã chứng minh là chính sách đối ngoại cũng như các chính sách nhập cư của châu Âu bị thất bại hoàn toàn.
Ông nói: Chúng ta không thể chống lại chủ nghĩa khủng bố hiệu quả, khi đang nuông chiều phong trào dân tộc chủ nghĩa và Đức quốc xã ở châu Âu. Chúng tôi (Nga) đã cảnh báo điều đó rất nhiều lần trong nhiều năm qua, và bây giờ tình hình ở châu Âu đang ngày càng cực đoan. Không có giải pháp cho vấn đề di cư. Không có chính sách đoàn kết chống khủng bố ở châu Âu, và tất cả điều này dẫn đến những nạn nhân vô tội từ các vụ tấn công đẫm máu.

Còn ông Sergey Goncharov, Chủ tịch Hội cựu chiến binh nhóm Alfa (đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ) cho biết: “Tôi nghĩ rằng vụ khủng bố ở Brussels là sự trả đũa của IS sau khi cảnh sát Bỉ bắt giữ S. Abdeslam - nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris, Pháp năm 2015. IS muốn chứng tỏ sức mạnh của mình, một lần nữa chứng minh rằng, chúng có thể đe dọa cả thế giới bằng hình thức khủng bố".

“Nếu như các dịch vụ giúp đỡ đặc biệt của châu Âu vẫn xử lý tình trạng hàng trăm ngàn người tị nạn đang sống ở nước họ theo cách phù phiếm: không có sự kiểm soát chặt chẽ, hoặc không bí mật theo dõi những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn đến châu Âu, thì tôi nghĩ tình hình khủng bố sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, và sẽ lại dấy lên những lo ngại mới. Chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận để kiểm soát tốt những người tị nạn. Nếu châu Âu không làm được điều đó, họ sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều tin nữa về khủng bố. Chúng tôi đã cảnh báo về việc này một thời gian dài trước đây”, ông Goncharov cảnh báo.

Kyril Koktysh, Phó giáo sư tại Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) phân tích: Brussels – nơi vốn được coi  là trung tâm đầu não của châu Âu. Sau các cuộc tấn công khủng bố ở đó, câu hỏi đặt ra là ai thực sự là người nắm quyền, Donald Tusk (Chủ tịch hội đồng châu Âu), Federica Mogherini (Cao ủy đối ngoại EU), Ủy ban châu Âu...hay những kẻ khủng bố? Và Brussels đang phải đối mặt với một tình thế khó xử: nếu Bỉ không thể chứng minh, quốc gia này sẽ có nguy cơ mất tất cả quyền lực. Nghĩa là trung tâm quyền lực thực sự sẽ chuyển hoá đến khu vực khác. Đây là một thách thức cho EU có thể tồn tại như hiện nay. Và tôi thấy các tổ chức EU chưa đưa ra những câu trả lời hợp lý.