Giả mạo, thuê người "đóng thế" đi công chứng "sổ đỏ" bị phạt tới 30 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình…Theo đó, từ 1/9, người giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

Bên cạnh đó, người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch…cũng bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Ngoài ra, theo Điều 15 Nghị định này, hành vi cho người khác sử dụng thẻ Công chứng viên của mình để hành nghề công chứng bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng (mức phạt hiện nay từ 7 - 10 triệu đồng).

Giấy tờ về nhà đất là một trong những loại giấy tờ bị làm giả mang đi công chứng nhiều nhất

Nghị định còn bổ sung mức phạt  từ 7-10 triệu đồng, tước quyền sử dụng thẻ Công chứng viên từ 3 - 6 tháng đối với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Công chứng viên của người khác để thành lập Văn phòng công chứng hoặc để bổ sung thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng. Các giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm bị kiến nghị xem xét, xử lý, người vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm gây ra.

Mức phạt tiền từ 7-10 triệu đồng cũng được áp dụng đối với một trong các hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;

Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.

Các hành vi tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch; Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thoả thuận; Công chứng trong trường hợp biết rõ người làm chứng không đủ điều kiện theo quy định…cũng bị phạt từ 7-10 triệu đồng.

Cũng theo Nghị định, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi cho người khác sử dụng thẻ công chứng viên để hành nghề công chứng; Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức có liên quan;  Ép buộc người khác sử dụng dịch vụ của mình; cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng…

Đối với di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản, Công chứng viên công chứng di chúc có nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; có hình thức trái quy định của luật; Công chứng di chúc trong trường hợp tại thời điểm công chứng người lập di chúc thể hiện rõ ràng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối hoặc bị đe dọa hoặc bị cưỡng ép…sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng