Gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương sở hữu tài sản lớn: Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần tại Công ty Điện Quang

ANTD.VN - Việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ cổ phần giá trị lớn tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC) - một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của bà, đang khiến dư luận đặt một dấu hỏi lớn.

Dù đã thôi lãnh đạo tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (Công ty Điện Quang) để giữ chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương từ năm 2010 nhưng bà Hồ Thị Kim Thoa vẫn sở hữu cổ phần tương đương 4,91 % vốn của Công ty Điện Quang. Không chỉ vậy, những thành viên khác trong gia đình bao gồm em trai, em dâu, các con gái và mẹ đẻ của vị Thứ trưởng hiện vẫn nắm giữ vị trí cao và sở hữu cổ phần lớn tại doanh nghiệp này.

Gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương sở hữu tài sản lớn: Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần tại Công ty Điện Quang  ảnh 1Các thành viên trong gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ cổ phần lớn tại Công ty Điện Quang

“Cận cảnh” tài sản khủng

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Điện Quang, đại diện vốn Nhà nước do Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lúc ấy nắm giữ 20,77%.

Tỷ lệ cổ phiếu do bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ tại Công ty Điện Quang đã tăng từ gần 858.000 cổ phiếu (cuối năm 2009) lên gần 1,16 triệu cổ phiếu sau khi được bổ nhiệm chức Thứ trưởng và hiện bà Thoa đang nắm giữ 1,68 triệu cổ phiếu. 

Đáng nói, không chỉ bà Thoa, các thành viên khác trong gia đình bà bao gồm con gái Nguyễn Thái Nga (đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Điện Quang) cũng sở hữu 4,1 triệu cổ phiếu; con gái Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu 2,2 triệu cổ phiếu. 

Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Điện Quang ngay sau khi bà Thoa được bổ nhiệm Thứ trưởng, hiện đang nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu. Mẹ của bà Thoa là bà Trần Thị Mỹ Xuân cũng nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu.

Một thành viên khác trong gia đình bà Thoa là ông Hồ Đức Lam hiện đang là thành viên HĐQT tại Bóng đèn Điện Quang. Tuy không nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp này nhưng ông Lam đang sở hữu khoảng 65% cổ phần tại Công ty CP Nhựa Rạng Đông (RDP) và là nhân vật có quyền chi phối mọi hoạt động tại đây. Ngoài ra, cháu ruột của bà Thoa là ông Hồ Đức Dũng cũng đang nắm giữ 4,9% cổ phần của Điện Quang.

Ông Hồ Đức Dũng là một trong hai cổ đông lớn đã mua lại 1,17 triệu trên tổng số 3,9 triệu cổ phiếu DQC từ Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC khi doanh nghiệp này thoái vốn vào tháng 9-2014. Một năm sau, ngày 15-9-2015, ông Hồ Đức Dũng đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu DQC. Cùng thời điểm, ông Hồ Quỳnh Hưng cũng đăng ký mua vào chính 1,5 triệu cổ phiếu trên.

Tư lợi trong quá trình thoái vốn Nhà nước?

Đánh giá về dư luận xung quanh tài sản của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Điện Quang, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là hiện tượng phức tạp cần điều tra đánh giá và kết luận theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư   Nguyễn Phú Trọng. “Chúng ta chưa thể quy chụp khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Nếu tài sản có được từ hoạt động kinh doanh lành mạnh, hợp pháp thì cần được khuyến khích, bất kể là ai. Nhưng nếu nắm giữ một lượng tài sản “khủng”, lại gia tăng đột ngột trong lĩnh vực mình phụ trách thì cần làm rõ có tiêu cực hay không”, TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm. 

Theo TS Nguyễn Minh Phong, trong trường hợp này, dư luận băn khoăn là tại sao các thành viên trong gia đình vị Thứ trưởng lại có lượng tài sản khổng lồ đến vậy trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Có hay không việc thâu tóm cổ phần, cổ phiếu trong một nhóm nhỏ các thành viên trong gia đình Thứ trưởng tại Công ty Điện Quang? Trong khi đó, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, thủ trưởng không được quản lý lĩnh vực mà gia đình mình kinh doanh. Trong trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, liệu có phải quy định này đã không được tuân thủ tuyệt đối? 

Nhìn nhận về quá trình thoái vốn Nhà nước tại DQC, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ quá trình thâu tóm cổ phần tại Công ty  Điện Quang của các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa; đặc biệt là khi hơn 3,9 triệu cổ phiếu DQC được bán theo hình thức thỏa thuận chứ không đấu giá công khai và người mua lại là người thân của ông Hồ Quỳnh Hưng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty (ông Hồ Đức Dũng). Và sau đó chỉ 1 năm, ông Hưng lại mua lại đúng số cổ phiếu mà ông Dũng bán.

Ông Nguyễn Hoàng Hảiđặt câu hỏi, tại sao trong trường hợp Nhà nước thoái vốn, Điện Quang không tổ chức đấu giá công khai, bởi nếu đấu giá công khai số tiền Nhà nước thu về có thể sẽ cao hơn?

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch VAFI, khi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Thoa được phân công quản lý mảng công nghiệp nhẹ, là lĩnh vực kinh doanh của Công ty Điện Quang. Vì vậy, cơ quan chức năng phải làm rõ bà Thoa đã từng có những quyết định gây cạnh tranh không lành mạnh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực hay không?