Gia đình có 7 người lùn

ANTD.VN - Đó là 7 thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Lanh (72 tuổi, trú tại đường Nguyễn Quyền, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), tất cả chỉ cao hơn 1m. Điều này đã khiến đại gia đình này nối tiếng khắp thành phố. Cuộc mưu sinh khá vất vả cùng với những nỗi niềm không ai tỏ khiến cuộc sống của các thành viên trong gia đình  ngày càng khốn khó. 

Nỗi niềm cũng chẳng cao sang

Nằm ẩn mình sau con ngõ ngoằn nghèo trên đường Nguyễn Quyền, nhưng ngôi nhà nhỏ của 7 con người vốn được gọi là những “người lùn Đà thành” được nhiều người dân biết đến vì sự nổi tiếng của họ.  

Chưa kịp để chúng tôi trò chuyện, ông Lanh đã nhanh nhảu: “Cha tôi là ông Lưu (đã mất), chỉ cao 1,15m, nên khi sinh ra tôi cũng chỉ vỏn vẹn 1,3m. Cho đến lúc tôi cưới vợ rồi sinh con thì những đứa con tôi cũng không cao nổi. Gia đình cũng đã đưa mấy đứa con đi khắp các bệnh viện để khám nhưng đi đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu rằng bệnh mà gia đình tôi đang mang là bẩm sinh do di truyền nên không chữa được”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ông Lanh sau khi lấy vợ sinh ra 5 người con,  nhưng tiếc thay người nào cũng có chiều cao hạn chế. Vợ ông là bà Phạm Thị Sỹ (73 tuổi) cũng chỉ cao 1,33m. Các con trai Nguyễn Quạng (40 tuổi) cao 1m, Nguyễn Trịnh (38 tuổi) cao 1,29m, Nguyễn Tám (35 tuổi) cao 1,27m, Nguyễn Mười (38 tuổi) cao 1,25m, và cô con gái út là Nguyễn Thị Hoa (33 tuổi) là người có chiều cao khá nhất, 1,4m.

Thương nhất là người anh trai cả Nguyễn Quạng có khuôn mặt khá ưa nhìn, chỉ tội tay và chân thì ngắn cũn. Đã không ít lần, cả gia đình tiết kiệm, chắt chiu ít tiền để kiếm cho anh một người vợ. Ngặt nỗi do anh quá lùn, lùn nhất so với mấy anh chị em trong gia đình nên chuyện yêu đương gần như là một mơ ước không thể thực hiện của anh Quạng. Cũng vì người quá thấp nên anh Quạng chẳng được học nhiều, cũng chẳng có ai thuê mướn nên suốt ngày ở nhà đi nhặt ve chai, theo nghề “gia truyền” của cha mình để lại. 

Ông Lanh buồn buồn kể, “hội chứng người lùn” cứ đeo bám dòng họ ông hơn 3 đời nay. “Ngay cả 3 đứa đã có gia đình, đứa nào sinh con ra cũng lùn. Làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn con, cháu của mình khỏe mạnh, cao ráo. Có được mái ấm gia đình, vợ chồng tôi giờ tuổi già, sức yếu, thấy các con chưa yên bề gia thất, tôi cảm thấy không yên lòng!”, bà Sỹ vợ ông Lanh trải lòng.

Giờ đây, khi ở độ tuổi ngoài thất thập, sức khỏe đã dần cạn kiệt vì bệnh tật hành hạ, nhưng ông Lanh hàng ngày vẫn oằn mình mưu sinh bằng nghề  nhặt ve chai, mặc cho cái nắng cháy da cháy thịt. Còn bà Sỹ vì bệnh tật nên chỉ biết quanh quẩn bên góc nhà, chân bếp. Miếng cơm, manh áo đều nhờ vào đồng tiền ít ỏi từ việc mưu sinh của những đứa con làm thuê, làm mướn từ phương xa gửi về.

Có những lúc khó khăn đến mức cơm độn sắn cũng không có mà ăn. Nhiều người xúi dại, nói ông Lanh đóng giả người tật nguyền, hay lăn lê bò lết ngoài đường để xin tiền. Nhưng ông Lanh khẳng khái đáp: “Đói cho sạch, rách cho thơm” chứ làm mấy việc đó tai tiếng lắm. Mình sống sao cho được họ thương, chứ đừng làm mấy việc như vậy”.

Ông bảo, đi nhặt ve chai mà có nhiều người tốt bụng lắm, biết ông đi mệt họ còn cho nước uống, có khi còn cho tiền mua cơm ăn. “Thế thì tại sao mình phải giả vờ làm như vậy để lừa gạt mọi người”, ông cười móm mém.

Nhấp ngụm trà nóng, ông giãi bày: “Giờ lao công mỗi người đều có cái bao bên cạnh để đồ phế liệu nhặt nhạnh được. Vì vậy, để kiếm được tiền thì tôi phải đi ban đêm hoặc sáng sớm, may ra mới nhặt nhạnh được vài thứ, kiếm lấy đôi ba chục nghìn mua gạo. Có người thương tình thì họ không vứt sọt rác mà để lại cho tôi, khi nào thấy tôi tới thì họ lấy ra cho. Còn bà ấy thì phải nghỉ thôi, già yếu, xương khớp hỏng hết cả rồi, ở nhà cơm nước, trông nom được con gà, con vịt đã là tốt phúc rồi!”.

Mối tình kỳ lạ 

Mọi chuyện cứ như cổ tích, khi nhắc đến câu chuyện tình yêu của ông Lanh,  bà Sỹ. Cũng bởi vậy mà khi nhắc đến chuyện này, ông khá hào hứng. Cả hai ông bà đều cao chừng 1,2 - 1,3 m, vì vậy tình yêu của họ cũng phải trải qua nhiều gian nan thử thách mới đến được với nhau. Hai người gặp nhau trong một tiểu đoàn cùng đơn vị, lúc đó bà Sỹ làm bên Quân y, còn ông Lanh nằm trong đơn vị chiến đấu.

Trong một lần ông bị thương được đưa đến doanh trại chữa trị, ông trời sắp đặt thế nào lại đúng ca bà trực. Thời gian đầu, hai người rất ghét nhau, ít nói chuyện với nhau, nhưng trong một lần đi lên rừng hái thuốc, bà vô tình bị rắn cắn. Thế là ông Lanh vô cùng lo lắng cho bà. Mặc dù ông không được cao to, nhanh nhẹn như những người đàn ông khác, nhưng ông cũng lặn lội chạy lên rừng hái lá thuốc đắp cho bà.

Từ lần đó, hai người mới bắt đầu thương mến và quan tâm đến nhau. “Không để ý ngoại hình, tôi chỉ yêu tính cách của ông. Từ đó, tôi và ông thường gặp nhau trong những buổi chiều sinh hoạt chung, trao cho nhau những bức thơ tình lãng mạn. Mặc dù tôi lớn hơn ông 1 tuổi, lại cao hơn ông, nhưng không vì thế mà ngăn cách được tình cảm của tôi và ông”.

Yêu là thế nhưng để có được ngày hôm nay không phải mát mái xuôi chèo. Từ ngày biết chuyện của hai người, gia đình bên nhà bà Sỹ ra sức ngăn cấm, vì ông mắc bệnh bẩm sinh là quá lùn. Gia đình bà luôn miệt thị ông “đũa mốc mà chòi mâm son”.

Mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn và đối mặt với những lời dị nghị của hàng xóm láng giềng, sự ngăn cấm từ gia đình nhà gái nhưng cuối cùng với tình yêu chân thành, hai người cũng đi đến đám cưới và chung sống với nhau hạnh phúc. Mối lương duyên sau 40 năm chung sống đã cho hai con người có số phận đặc biệt này 5 mặt con.

Nhưng oái oăm, vì mang gene di truyền nên tất cả những người con của ông bà đều không thể cao như người bình thường được, khiến vợ chồng ông ngày càng lo lắng. “Suốt bao nhiêu năm tuổi trẻ, tuy hai người không được cao nhưng chúng tôi vẫn mong muốn có những đứa con cao ráo như những đứa trẻ khác. Nhưng khổ thay, con cái chẳng phải cục chì muốn là nặn được. Số phận gia đình tôi đúng là thiệt thòi cả đời.

Giờ nhìn tụi nó lớn lên mà không có công việc ổn định, không dựng vợ gả chồng được như con người ta, làm cha mẹ ai chẳng buồn. May phước là được hàng xóm yêu thương, nên mọi khó khăn không vì thế làm gục ý chí của vợ chồng con cái chúng tôi. Chúng tôi ở bên nhau động viên nhau trong cuộc sống và chúng tôi luôn cảm thấy yêu nhau. Mọi người trong xóm kêu gia đình tôi là 7 chú lùn thời hiện đại” - ông Lanh tâm sự. 

Bà Sỹ ngậm ngùi, nhưng lại đầy khẳng khái rằng nhìn lại cuộc sống hiện nay, có nhiều người còn khó khăn, khổ hơn gia đình vợ chồng bà rất nhiều. Vì vậy, bà bảo cuộc sống của ông bà như vậy, thôi thì cũng phải bằng lòng, vươn lên mà sống. “Người ta có nhà, có vợ có chồng nhưng không có con cái, cuối đời vẫn phải sống cô đơn. Còn chúng tôi đây, mặc dù nghèo, không cao như người ta nhưng con cái vẫn nhiều đấy thôi, chẳng lo phải cô quạnh!”,  bà Sỹ cười nắc nỏm.

Bây giờ ngoại trừ đứa con trai đầu chưa có vợ, còn ai nấy đều có gia đình riêng. Những người con dâu của ông bà đều cao hơn các thành viên trong gia đình một nửa thân người. Ngôi nhà nhỏ của ông bà mỗi chiều luôn rộn ràng tiếng cười, tiếng những đứa cháu tíu tít gọi ông bà. Đó chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc của những con người thiệt thòi. Vì cuộc sống hạnh phúc, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau nên những người xung quanh ai cũng nể phục, quý mến gia đình ông bà. 

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai (Hội trưởng Hội phụ nữ tổ 2  phường Hòa An) cho biết: “Gia đình ông Lanh là hộ khó khăn. Dù bệnh tật nhưng  đại gia đình người lùn này có một ý chí, nghị lực rất cao, họ tự vươn lên để kiếm sống và rất yêu thương nhau”.