Gia đình 18 thuyền viên tiếp tục kêu cứu

ANTĐ - Sáng 17-7, hàng chục người thân của 18 thuyền viên hiện đang mắc kẹt trên tàu Hoa Sen và Sea Eagle tại Chiết Giang -Trung Quốc đã có mặt tại trụ sở của Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) để yêu cầu phía công ty đưa các thủy thủ về nước.

Gia đình 18 thuyền viên chờ làm việc với đại diện công ty Vinashinlines

Trao đổi với chúng tôi trong lúc chờ đợi làm việc với lãnh đạo công ty Vinashinlines, chị Tào Thị Thảo (ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa), em gái của thuyền viên Tào Văn Huấn đang bị mắc kẹt trên tàu Sea Eagle cho biết: “Lúc lên tàu đi viễn dương, mức lương được hưởng theo hợp đồng của anh trai tôi là 8,2 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng từ khi lên tàu đến nay mới chỉ được nhận 3 tháng lương đầu, còn lại chưa thấy đâu. Mỗi tháng anh gọi điện về một lần, đều xin tôi nạp tiền điện thoại cho và kể ở tàu cuộc sống rất kham khổ, các thuyền viên đều không có tiền ăn uống sinh hoạt. Ai cũng hoang mang, lo lắng…”. 

Chị Chu Thị Kiên, người nhà của thuyền viên Chu Trọng Cường - người từng thay mặt các thủy thủ bị mắc kẹt trên tàu Hoa Sen tại Trung Quốc viết “tâm thư” kêu cứu gửi về nước hồi cuối năm ngoái cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, em trai tôi đã gần 2 năm chưa được về nhà. Gia đình đã 3 lần kêu cứu lên phía công ty nhưng không thấy động thái gì”. Cũng theo chị Kiên, qua cuộc điện thoại liên lạc về với gia đình, thủy thủ Chu Trọng Cường cho biết, hiện tại điện trên tàu đã mất, tàu bị trôi dạt rất nguy hiểm. Thức ăn khan hiếm nên cuộc sống hết sức chật vật. Nhiều thuyền viên đang bị mắc bệnh ngoài da, ngứa, dị ứng nhưng không có thuốc chữa…

Đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin làm việc với người nhà của 18 thuyền viên bị mắc kẹt tại Trung Quốc sáng 17-7, ông Nguyễn Văn Thoa, Phó Giám đốc công ty cho biết, tàu Hoa Sen và Sea Eagle đã được Chính phủ đồng ý cho Vinashinlines bán để trả nợ.  Tuy nhiên, khi người nhà các thuyền viên hỏi phải đợi bao nhiêu lâu nữa mới bán được tàu và đưa các thủy thủ về nước thì ông Thoa trả lời một cách lấp lửng: “Việc này rất mất thời gian vì chúng tôi phải báo cáo, bàn bạc để đảm bảo tính minh bạch tài chính và đảm bảo không làm hao hụt ngân sách của Nhà nước. Công ty cũng muốn bán lắm chứ không phải không có động thái gì, tuy nhiên trong lúc vận tải biển khủng hoảng, một loạt tàu nằm không, việc này không dễ dàng”. Được biết, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần thúc Vinashinlines hoàn thành việc bán tàu, đưa thuyền viên về nước. Hạn cuối được xác định là tháng 6-2013 nhưng đến nay, phía Vinashinlines vẫn chưa thể thực hiện. 

Trước phản ánh của gia đình các thuyền viên về tình trạng khó khăn mà con em mình phải đối mặt, ông Bùi Trường Mạnh - Phó Chủ tịch Công đoàn Vinashinlines khẳng định: “Về đời sống, tôi nghĩ chưa đến mức độ căng quá! Chính phủ đã chỉ đạo cho Đại sứ quán các nước nếu khó khăn thì đến tận nơi tìm hiểu, giúp đỡ”. Hiện tại, tiền ăn cho thuyền viên, theo ông Mạnh vẫn được chi trả đều đặn ở mức 6 USD/người/ngày. Tuy nhiên, thay vì việc cấp khoảng 1,4 tấn dầu để duy trì mọi tiện nghi của tàu thì số dầu hiện tại mà 2 con tàu này đang được cấp mỗi ngày chỉ còn vài chục lít. Ông Mạnh cho biết thêm, ngày 21-7 tới đây, Tổng Giám đốc của Vinashinlines sẽ trực tiếp làm việc với các thuyền viên của 2 con tàu đang mắc kẹt tại Trung Quốc. Nếu thuận lợi, các thuyền viên bị mắc kẹt ở 2 con tàu này có thể trở về ngay trong tháng 8 tới. 

Được biết, Sea Eagle là tàu có trọng tải hơn 65.000 tấn, do khó khăn về tài chính của Vinashinlines nên con tàu này  nằm bất động tại Trung Quốc từ năm 2008. Có 9 thuyền viên bị mắc kẹt do phải ở lại trông coi tàu. Tương tự, Hoa Sen là tàu chở xe và hành khách trọng tải lớn, được Vinashin mua lại từ Italy vào cuối năm 2007 nhằm chuyên chở hàng hóa, khách du lịch nhưng do hoạt động thua lỗ nên đã phải dừng hoạt động từ đầu năm 2009. Hiện tàu đang mắc kẹt tại Chiết Giang (Trung Quốc) với 9 thuyền viên. Các thuyền viên của 2 con tàu này đã nhiều lần yêu cầu công ty Vinashinlines thay thuyền viên để được trở về nước và được thanh toán lương đầy đủ.