Giá điện sinh hoạt- bao nhiêu bậc thì hợp lý và minh bạch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng, dù áp dụng cách tính giá điện sinh hoạt đồng giá hay chia thành bậc thang thì ngành điện cũng cần minh bạch thông tin để người dân biết và ủng hộ.

Giá điện sinh hoạt- bao nhiêu bậc thì hợp lý và minh bạch? ảnh 1

Phương án giá điện sinh hoạt vẫn đang được cân nhắc

Thanh tra, kiểm tra đúng nhưng chưa “ra vấn đề”?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Giá điện sinh hoạt- bao nhiêu bậc thì hợp lý và minh bạch” diễn ra sáng nay (28-7), ông Ngô Đức Lâm- chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, nhiều năm gần đây, Bộ Công Thương, kiểm toán… đều thanh tra, kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Các cuộc thanh tra, kiểm tra này đều đúng quy trình, đúng về thủ tục hành chính, chi phí sản xuất bao nhiêu, kinh doanh bao nhiêu, thiếu hay đủ bao nhiêu con số đều khớp nhau, nhưng chưa “ra vấn đề”- ông Ngô Đức Lâm nói.

Cụ thể, theo ông Ngô Đức Lâm, căn cứ vào Luật Điện lực năm 2004, Luật Điện lực sửa đổi năm 2012, Quyết định 69/2013/QĐ-TTg, Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn về giá bán lẻ điện bình quân, thì “giá bán điện bình quân là giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện, trong đó giá bình quân được tính để đảm bảo cho tất cả các đơn vị điện lực và toàn ngành điện duy trì được các chi tiêu tài chính để hoạt động bình thường và có lãi để đảm bảo tái đầu tư và phúc lợi”.

Điều này có nghĩa là giá bán lẻ điện bình quân đã là giá cuối cùng của ngành điện, đã thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, có lãi để cho ngành điện hoạt động lâu dài, ổn định. “Do đó, ngoài giá bán điện bình quân để tính doanh thu thì ngành điện không có thêm nguồn gì khác”- vị chuyên gia năng lượng nêu quan điểm.

Như vậy, nếu tính đúng tính đủ, thì tổng doanh thu của điện sinh hoạt (số lượng tính bằng sản phẩm là kWh) khi tính theo giá điện bình quân phải bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bậc thang.

Nếu doanh thu tính theo giá điện bậc thang lớn hơn, tức là ngành điện đã thu thêm ngoài giá điện bình quân (lạm thu), đây là phần thu không được phép.

Ông Ngô Đức Lâm cho rằng, nội dung thanh tra, kiểm tra cần tính toán các bước này, chẳng hạn như xem năm qua, bao nhiêu kWh tiêu thụ ở bậc 1, bao nhiêu kWh tiêu thụ ở bậc 2, bậc 3… sẽ tính ra con số chênh lệch nếu nhân tổng số kWh điện tiêu thụ với giá điện bình quân. Khi công bố con số này mới được coi là minh bạch.

Mặt khác, vị chuyên gia năng lượng cũng cho rằng giá điện bình quân có lên có xuống, có thể thay đổi theo các yếu tố đầu vào như: nhiên liệu, tỷ giá, lạm phát… nhưng từ năm 2012 đến nay (khi bắt đầu thực hiện thị trường điện), giá điện bình quân luôn chỉ tăng mà chưa hề giảm. Ngay cả thời điểm khi Thủy điện Sơn La bắt đầu đi vào hoạt động, nguồn thủy điện rất lớn, chi phí giảm, nhưng giá điện bình quân vẫn không giảm!

Vì sao người dân luôn “kêu ca” giá điện cao khi nắng nóng?

Theo ông Ngô Đức Lâm, tình trạng người dân “kêu ca” tiền điện tăng vọt khi nắng nóng đã kéo dài trong nhiều năm qua. Nguyên nhân là bởi cơ quan quản lý đưa ra bậc thang bất hợp lý. Ở 2 bậc thang đầu (hộ dùng đến 100kWh/tháng) được cho là để hỗ trợ các hộ chính sách, hộ nghèo... nhưng thực tế, theo ông Lâm, các hộ này vẫn được Nhà nước hỗ trợ hàng tháng qua chính sách của Bộ LĐ-TB&XH.

Người dùng từ 100 kWh/tháng trở lên đã phải trả tiền nhiều hơn số tiền lẽ ra họ phải trả và càng sử dụng nhiều, khách hàng càng phải trả tiền cao.

“Mùa hè năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên các hộ dùng điện từ bậc 4 trở lên với cách tính giá điện bậc thang tất nhiên sẽ phải trả tiền nhiều hơn lượng điện tiêu thụ nhân với điện bình quân. Đây là nguyên nhân khiến người dân “kêu ca” mãi”- ông Ngô Đức Lâm nói.

Với phương án điện 1 giá, ông Ngô Đức Lâm cho rằng người nghèo, hộ chính sách vẫn được hưởng ưu đãi của Nhà nước thay vì quan điểm cho rằng người nghèo sẽ bị thiệt khi áp dụng cách tính này. Do đó, ông Ngô Đức Lâm đề xuất áp dụng điện 1 giá, và mức giá này đúng bằng giá điện bình quân mà không thể là một mức giá cao hơn và có quỹ bình ổn giá. Quỹ này chính là để hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách...

Trường hợp áp dụng giá điện bậc thang, vị chuyên gia này nêu phương án chia làm 3 bậc lũy tiến điều hòa. “Dù chọn phương án nào cũng phải minh bạch và giá điện phải đảm bảo đủ hoạt động của ngành điện  tái đầu tư; đảm bảo công bằng xã hội; phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp- người tiêu dùng- Nhà nước”- ông Ngô Đức Lâm nhấn mạnh. 

Tán thành ý kiến trên, bà Bùi Thị An- Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, sử dụng điện là nhu cầu thiết yếu của người dân nên khi xây dựng chính sách, cần quan tâm tới người dân.

“Các bộ ngành đưa ra lập luận giá điện ở Việt Nam thấp và tham khảo cách tính từ các nước. Ta đi sau, tham khảo là đúng nhưng mỗi nước có đặc thù riêng. Các nước có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ, chúng ta thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giá điện ở Malaysia hơn 8 Uscent/kWh, ở Trung Quốc hơn 8 USD/kWh, ta cũng tương tự, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ là trên 10.000 USD/người/năm, ta mới hơn 2.600 USD/người/năm. Đã so sánh thì phải đưa dữ liệu đầy đủ”- bà Bùi Thị An nói.

Bà Bùi Thị An cũng đề nghị cần minh bạch các thông tin giá điện, thay đổi cách tính giá điện cho người dân dễ theo dõi,tính toán và có quỹ bình ổn giá điện để hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách. Bên cạnh đó, do điện là ngành còn độc quyền, nên EVN cần công khai lương, thưởng của cán bộ nhân viên.