Giá điện: Cần minh bạch, công bằng với người dân

ANTĐ - Hơn 20 nhà khoa học là những Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành và đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đại biểu Quốc hội đã dự và tham luận tại diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 16-10. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng xung quanh câu chuyện giá điện.

Giá điện: Cần minh bạch, công bằng với người dân ảnh 1Nhân viên ghi số điện Công ty Điện lực Cầu Giấy công khai số liệu với người dân sau khi đọc công tơ

- PV: Các quy định được dùng làm căn cứ để tính giá điện hiện nay đã khách quan, chính xác chưa, thưa ông?

Giá điện: Cần minh bạch, công bằng với người dân ảnh 2

- TS Ngô Đức Lâm: Các văn bản quy định hiện nay đầy đủ, đã tạo ra một cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp điện lực, đảm bảo tính tự chủ, linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường. Điều này được thể hiện ở doanh nghiệp tự định giá đảm bảo doanh thu có lợi nhuận, được phép điều chỉnh giá khi đầu vào có thay đổi. Điều này khuyến khích tập đoàn Nhà nước mà không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng được ưu đãi như vậy.

Tuy nhiên, trong các chi phí đầu vào trên, chỉ có 2 chi phí là: khấu hao và chi phí định mức lương là do Nhà nước quy định, còn các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết định. EVN tự quyết định dẫn đến có thể có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành.

- Theo quan điểm của ông, giá điện hiện nay vẫn chưa minh bạch. Cụ thể là ở những khía cạnh nào, thưa ông?

- Năm 2013, Chính phủ đã tổ chức tổ kiểm tra liên ngành về giá điện và Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra, công khai giá thành, giá của từng khâu sản xuất. Nhưng theo tôi, minh bạch như trên vẫn chưa đủ vì điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các đầu vào để tính toán chi phí. Nếu đầu vào không minh bạch, có thể dẫn tới giá thành không thực, khiến người tiêu dùng bị thua thiệt. 

Cụ thể, về tính chi phí cho giá phát điện: đây là chi phí lớn nhất ảnh hưởng tới giá điện (>70%). Hiện nay, số lượng nhiên liệu cần dùng phụ thuộc chủ yếu vào hiệu suất của thiết bị (lò + máy) và phương thức huy động tối ưu của Điều độ hệ thống (Ao). Mức tiêu hao nhiên liệu của thiết bị nhà máy tại Việt Nam rất lớn, từ 560g/kWh - 700g/kWh, nhà máy mới đưa vào vận hành cũng trên 450g/KWh; trong khi thế giới chỉ là 380g/kWh. Điện tự dùng nằm trong dải từ 8,32 - 12,82%. Như vậy, suất tiêu hao nhiên liệu và lượng tự dùng lớn hơn so với các định mức.

Chi phí cho vận hành và sửa chữa đều tăng so với định mức quy định. Tất cả những yếu tố trên dẫn đến năng suất lao động thấp: 1kWh điện năng hiện phải gánh chịu quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian. Bên cạnh đó, tổn thất truyền tải hệ thống còn quá lớn, năm 2014 tăng so với 2013. Tổn thất điện năng tăng thêm 1% tương đương mất đi 1,1 tỷ kWh. Chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/kWh, năm 2015 đã được tính là 104 đồng/kWh, nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí chính là tăng tổn thất truyền tải này.

- Vậy với riêng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được lấy ý kiến thì sao, thưa ông?

- Biểu giá điện sinh hoạt được đưa ra lấy ý kiến chỉ phục vụ cho lợi ích phía người sản xuất, chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa sản xuất và tiêu dùng. 3 phương án đưa ra còn phiến diện, chưa đủ căn cứ khoa học đối với người làm chính sách. Sự thiếu công bằng lớn nhất là ở chỗ biểu giá đưa ra bảo vệ tính nguyên vẹn lợi ích của EVN, trong mọi tình huống đều đẩy mọi trách nhiệm về phía người tiêu dùng. Do đó, khó có sự thỏa mãn đầy đủ của các hộ tiêu dùng. Vì sao phải bảo vệ nguyên vẹn doanh thu của ngành điện và có lãi, đảm bảo giá bán lẻ bình quân 1.747 đồng/kWh trong khi tính minh bạch chưa được làm rõ? 

Vì sao lại đặt vấn đề dùng biện pháp giá hạn chế sử dụng điện đối với người tiêu dùng, lại không áp dụng biện pháp giá để bắt buộc tiết kiệm đối với ngành điện như là tiết kiệm điện tự dùng và tổn thất truyền tải? Ngoài ra, còn nhiều vấn đề như thực hiện chính sách xã hội, mức tiêu thụ điện ở nước ta hướng tới hội nhập, khắc phục các vấn đề về ghi số điện, công tơ chạy không chính xác, kiểm định công tơ khách quan không…

- Ông có kiến nghị gì để giá điện minh bạch và công bằng hơn?

- Thứ nhất, EVN phải có một dự án, đề án tính giá minh bạch để sau này loại trừ những yếu tố tiêu cực, chất lượng quản lý kinh doanh, hiệu quả của quá trình sản xuất… Thứ hai, một giai đoạn lâu dài chưa có giám sát của Nhà nước về hệ thống điện lực. Ví dụ hiệu suất thiết bị hiện nay xuống rất nhanh làm cho giá thành tăng lên rất cao mà 20 năm nay chưa có giám sát với vấn đề này. 

Thứ ba, để thực hiện đúng chính sách giá phải giao cho một cơ quan Nhà nước để có trách nhiệm xây dựng giá nghiên cứu kỹ lưỡng. Hiện nay, có những yếu tố chưa được xây dựng kỹ lưỡng. Ví dụ có 2 phạm trù: một là giá theo thị trường có sự điều tiết các cấp độ thị trường. Cái đó theo cơ chế thị trường (dùng điện nhiều thì giá thấp). Phạm trù thứ hai là nếu sử dụng nhiều phải khống chế giá để người ta tiết kiệm đi. Hai phạm trù đó phải xem xét hài hòa chứ hiện nay mới chỉ xem xét ở khía cạnh tiết kiệm để sử dụng hiệu quả còn vấn đề thị trường thì chưa được nghiên cứu. 

Ngoài ra, tất cả tập trung sử dụng tiết kiệm hiệu quả cho người sử dụng điện còn phía sản xuất điện tổn thất rất lớn thì hầu như chưa có nghiên cứu nào. Ví dụ hiện nay, điện lưới tổn thất rất cao nhưng chưa có phương án nào giảm chi phí tổn thất cho cả sản xuất và tiêu dùng là chưa công bằng.

- Xin cảm ơn ông!

TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Sớm chấm dứt độc quyền của EVN 

EVN chỉ chiếm 55% nguồn điện, nhưng lại nắm đầu ra. Đầu ra lại quyết định sản xuất, đầu tư. Chúng ta sẽ còn phải chấp nhận cuộc chơi này 5 hay 10 năm nữa? Tôi cho rằng cần nhanh chóng chấm dứt độc quyền của EVN. Không nên “dọa” người dân bằng việc thiếu điện, quá tải, sự cố.

Bà Bùi Thị An -Đại biểu Quốc hội: Khó giám sát chốt công tơ điện

Giá điện là vấn đề cử tri rất bức xúc. Tôi xin được hỏi ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực là: Trong các nước được dẫn tên trong tài liệu của Cục, có nước nào còn độc quyền, nước nào giá điện đã theo thị trường. Thứ nữa, theo ông đầu vào đã minh bạch chưa? Ngành điện lúc kêu lỗ, lúc bảo lãi. 

EVN kêu lỗ nhưng nhân viên vẫn có thu nhập cao. EVN cho biết, người dân có quyền giám sát ghi số điện. Nhưng khu nhà tôi ở, công tơ treo ở trên cao, những gia đình có người lớn tuổi thì giám sát bằng cách nào? Làm thế nào để giá điện hợp lý, doanh nghiệp không lỗ, người dân và Nhà nước không thiệt, các nhà khoa học ở đây cho ý kiến. 

Bà Phạm Thị Hòa - người dân: Lãng phí trong ngành điện rất lớn 

Trước kia, tôi công tác trong ngành điện, nay đã về hưu. Tôi thấy còn nhiều hoạt động của ngành rất lãng phí như đầu tư vào EVN Telecom, các bộ, ngành quản lý ra sao mà khi họ lỗ lớn rồi mới biết? Trong việc mua sắm thiết bị, nhiều thiết bị mua về không dùng, nhưng khi thanh tra, nó là tài sản được mua từ 10-20 năm trước, không truy cứu trách nhiệm cụ thể. Lãng phí trong ngành điện chưa được quan tâm đúng mức.

TS Nguyễn Văn Hanh - chuyên gia độc lập: EVN vẫn đảm bảo quyền lợi

Các tham luận bàn tới giá bậc thang bán lẻ điện 6 bậc hoặc 5 bậc, hay áp dụng một giá. Tôi cho rằng việc bàn như thế không giải quyết vấn đề gì, bởi vì chốt lại, dù phương án nào cũng không làm thay đổi giá điện bình quân. Đây là biểu hiện quyền lợi của EVN. Thảo luận như vậy chỉ duy trì giữa các nhóm khách hàng với nhau, còn không làm thay đổi giá điện bình quân. Tôi quan tâm đến việc có bắt khách hàng gánh chịu từ hiệu suất kém của ngành điện không? Giá điện bình quân làm thế nào để minh bạch, còn bao nhiêu bậc cũng được.

Ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nâng cấp hệ thống chăm sóc khách hàng

Trong các nước ASEAN, hiện nay mới chỉ có Philippines và Singapore là có thị trường điện. Về ý kiến đầu vào minh bạch, Bộ Công Thương đã có trang web công khai các thông tin liên quan. Về việc giám sát ghi chỉ số công tơ, hiện mới có 2/20 triệu khách hàng sử dụng công tơ điện tử, còn lại là công tơ cơ khí.

Không thể thay công tơ điện tử ngay một lúc được, chúng tôi đã giao EVN có kế hoạch thực hiện. Chúng tôi cũng yêu cầu ngành điện nâng cấp hệ thống chăm sóc khách hàng. Về giá điện 2 thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng, chúng tôi đang nghiên cứu. Còn việc thay đổi giá bán lẻ điện bình quân là việc khác.