Giả danh sỹ quan cấp cao lừa tiền, gạt tình

ANTĐ - Vừa qua, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 3 nông dân giả danh quan chức quân đội cấp cao để chiếm đoạt 34 triệu NDT (khoảng 5,5 triệu USD) của 19 công ty xây dựng chỉ trong vài tháng. Tình trạng mượn “oai” sỹ quan để lừa đảo không phải hiện tượng mới xuất hiện ở nước này.

Giả danh sỹ quan cấp cao lừa tiền, gạt tình ảnh 1Trụ sở Bộ chỉ huy “rởm” ở Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông và giấy tờ giả mạo 
của 3 đối tượng lừa đảo

Từ nạn nhân biến thành “siêu lừa” 

Trương Hiểu Toàn, một nông dân mới tốt nghiệp... tiểu học, quê ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã mạo danh Trung tướng quân đội, cùng đồng bọn vẽ ra một dự án xây dựng quốc phòng trị giá hàng trăm tỷ NDT để thu hút các công ty xây dựng trên toàn quốc đấu thầu công trình, sau đó tìm cách quay tiền doanh nghiệp. Chúng đã thu được số tiền phi pháp lên tới 34 triệu NDT. 

Theo báo Tân Kinh, Trương Hiểu Toàn và Trương Kiệt trước đó từng sa vào một dự án lừa công trình cảng Yên Đài. Không cam tâm bị lừa, Trương Kiệt “vào vai” Đại tá và dùng chính mánh lới này cùng “Trung tướng” Trương Hiểu Toàn lên kế hoạch hoành tráng hơn – dự án xây dựng căn cứ giáo dục quốc phòng duyên hải.

 “Đại tá” Trương Kiệt tiết lộ về kế hoạch xây dựng 6 căn cứ giáo dục quốc phòng duyên hải ở bờ biển tỉnh Liêu Ninh và Quảng Tây. Nghe vị sỹ quan cấp cao hứa hẹn ưu tiên, chủ doanh nghiệp xây dựng Nam Thông ở Giang Tô - ông Cao Ngọc Đức rất tin tưởng. Ngày 20-3, ông Cao chuyển vào tài khoản của Trương Kiệt 1,5 triệu NDT tiền đảm bảo hợp đồng đã ký. 

Tháng 5-2014, khi  “Bộ chỉ huy” bị công an tới đóng cửa điều tra, ông Cao mới biết bị lừa.

Theo ông Cao, Trương Kiệt nói rằng đây là dự án quốc phòng bí mật được Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê duyệt. Trương Hiểu Toàn là Tổng chỉ huy dự án, Trương Kiệt đảm nhận chỉ huy phần dự án ở thị xã Bồng Lai (thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông), và Thiệu Tồn Lễ (giả danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc) tham gia chỉ đạo xây dựng. Nạn nhân Cao Ngọc Đức không hề nghi ngờ nhóm quan chức quân đội này, vì đích thân ông đã được mời tới tham quan trụ sở của “Bộ chỉ huy căn cứ giáo dục quốc phòng duyên hải” ở Bồng Lai. 

Trụ sở “Bộ chỉ huy” này vốn là một nhà máy sản xuất rượu đã ngừng hoạt động ở khu công nghiệp Nam Vương (Bồng Lai). Phía bên trong nhà máy là  các barie cảnh giới màu vàng phân tách một tòa nhà 3 tầng với khu vực xung quanh. Trên đỉnh tòa nhà này treo khẩu hiệu “Theo chỉ thị của Đảng, kiến thiết hải phận”. Trước cửa tòa nhà là tấm bảng “Bộ chỉ huy xây dựng căn cứ giáo dục quốc phòng duyên hải Hoa Đông chuẩn bị cho chiến lược quốc phòng Trung Quốc”. Trước khi vào trong tòa nhà, khách đến làm việc phải đăng ký thông tin với 2 cảnh vệ mặc quân phục chỉnh tề.

Công ty của ông Cao Ngọc Đức là một trong số 19 doanh nghiệp là nạn nhân của 3 kẻ nông dân giả mạo quan chức quân đội. Đường dây lừa đảo này bại lộ khi anh trai của ông Tôn Tứ Hải, chủ một công ty ở Sơn Đông cũng bị lừa 100.000 NDT cho tiền môi giới tiếp cận dự án “ảo”, trình báo cơ quan công an. Ngày 19-5, hơn 50 nhân viên công an thị xã Bồng Lai bất ngờ đột kích trụ sở “Bộ chỉ huy” này và bắt giữ 14 người mặc quân phục giả. 

Ngày 17-11, chủ  nhà máy sản xuất rượu trên -  bà Trương cho biết, đầu tháng 3, 2 người đàn ông đến thuê lại nhà máy làm văn phòng trụ sở của bộ chỉ huy quốc phòng. Sau khi đồng ý, hơn chục nhân viên mặc quân phục  đến đây cải tạo tòa nhà. Theo cơ quan điều tra, 3 kẻ cầm đầu Trương Kiệt, Trương Hiểu Toàn và Thiệu Tồn Lễ còn làm thẻ quân nhân giả, tài liệu giả và treo ảnh mặc quân phục trong văn phòng. Cho đến khi trụ sở này bị đóng cửa, một số nhân viên ở đây vẫn không hề biết đó là một tổ chức giả. 

Mượn “oai” để gạt tình

Những vụ việc giả danh lãnh đạo trong ngành công an, quân đội tại Trung Quốc thường xuyên xảy ra. Một trong những vụ lừa đảo kéo dài lâu nhất phải kể đến vụ việc đối tượng Đổng Tiến Vỹ bị Công an Bắc Kinh bắt giữ hồi tháng 6 vừa qua. Từ năm 1998 đến nay, Đổng đã mạo nhận là Đại tá để lừa hơn 4 triệu NDT với các lý do là giúp người thân nạn nhân trúng tuyển trường sỹ quan, tạo điều kiện thuyên chuyển công tác hoặc có chân công chức trong cơ quan nhà nước... 

Không chỉ lừa tiền, lừa tình cũng là một mục đích của những đối tượng này. Tháng 8-2014, một thanh niên họ Trịnh 19 tuổi ở quận Thành Quan, thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã bị bắt giữ vì giả danh là Thiếu tá để lừa tình và  90.000 NDT của 3 phụ nữ. Tại nhà hắn, công an thu giữ quân phục, giấy chứng nhận, quân hàm giả và một số quân dụng. Hy hữu hơn, cuối tháng 10 vừa qua, Công an tỉnh Phúc Kiến phá một vụ án mà nạn nhân là gái bán dâm bị một đầu bếp mạo danh công an ép chung sống và lừa tiền trong 4 năm. Năm 2010, Anh Tử đến tỉnh Phúc Kiến và quen biết một người đàn ông họ Tô kém cô 10 tuổi, tự giới thiệu là công an. Từ khi về ở chung, Tô bòn rút của Anh Tử từng đồng và nhiều lần đánh đập người tình. Anh Tử không dám rời bỏ hắn bởi tưởng Tô là công an và đã biết rõ cô  hành nghề bán dâm lại nghiện ma túy. Cho đến khi cay đắng nhận ra kẻ lừa đảo, Anh Tử đã bị chiếm đoạt 70.000 NDT.

“Bọn lừa đảo lợi dụng lòng tin và sự nể trọng của người dân đối với quan chức quân đội” - ông Lưu Đan, một kiểm sát viên ở Bắc Kinh phân tích và cho biết tội phạm kiểu này thường “diễn” là cấp phó của các đơn vị, vì các vị trí này không có nhiều thông tin công khai trên mạng, so với thông tin về thủ trưởng.