Giả danh cán bộ ngân hàng, lên mạng xã hội lừa 400 bị hại vào “bẫy” vay vốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bản thân từng có nhu cầu vay vốn và đã bị lừa, tuy nhiên, thay vì trình báo cơ quan công an, đối tượng Hoàng Thanh Bình (SN 1986, HKTT tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) lại áp dụng cách thức đó đi lừa hàng trăm người khác. Thủ đoạn của nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo và xóa dấu vết rất tinh vi…
Các đối tượng Đoàn Thị Hằng, Nguyễn Đức Anh và Hoàng Thanh Bình

Các đối tượng Đoàn Thị Hằng, Nguyễn Đức Anh và Hoàng Thanh Bình

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm Hoàng Thanh Bình (SN 1986, HKTT tại xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa); Nguyễn Đức Anh (SN 1999, HKTT tại Tế Tiêu, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) và Đoàn Thị Hằng (SN 1998, HKTT tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi liên quan của các các đối tượng chuyên thu mua thẻ ngân hàng gồm Nguyễn Thanh Tùng (SN 2000, trú tại Ứng Hòa) và Nguyễn Bình Dương (SN 1998, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội).

Từ bị hại trở thành “siêu lừa”

Đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội trên toàn thế giới, vào tháng 3-2020, Hoàng Thanh Bình khi đó đang lao động ở nước ngoài đã phải về nước. Trở về với một số vốn ít ỏi, chỉ trong thời gian ngắn, những đồng tiền kiếm được vơi dần, Bình lâm vào tình cảnh cạn túi. Không có công ăn việc làm ổn định, lại phải cáng đáng gia đình với nhiều miệng ăn, Bình ngày càng quay cuồng trong cơn bí bách về tiền nong.

Ngoài mẹ già, Hoàng Thanh Bình còn nuôi hai con nhỏ, trong khi vợ Bình lại chia tay chồng con đi tìm bến đỗ mới. Để có tiền, Bình lên mạng xã hội vay tiền. Tuy nhiên, Bình đã bị đối tượng cho vay lừa mất 12 triệu đồng. Với Bình, đây là số tiền lớn bởi đối tượng đã phải đi vay mượn nhiều người để có tiền làm hồ sơ vay tiền nhưng lại bị lừa mất. Thay vì đến cơ quan Công an trình báo, Bình ngồi lặng yên, ghi chép lại toàn bộ diễn biến câu chuyện bản thân bị lừa và nhận thấy rằng, việc mình bị lừa quá dễ dàng. Trong cơn túng quẫn vì tiền, Bình nghĩ, người khác làm được thì sao ta không làm được.

Nghĩ là làm, Bình đã đi mua rất nhiều sim điện thoại. Và để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, Bình mua sim của nhiều nhà mạng khác nhau. Từ những chiếc sim điện thoại này, Bình đã cài đặt tài khoản zalo, đồng thời lập ra nhiều tài khoản facebook. Những tài khoản facebook này được Bình mua quảng cáo để có lượng tương tác cao trên mạng. Các tài khoản facebook đều đăng hỗ trợ vay vốn hoặc cho vay tiêu dùng online nhằm thu hút những cá nhân, tổ chức đang cần vay tiền để hoạt động.

Trong quá trình điều hành những trang facebook này, Bình rất biết cách tạo dựng thương hiệu khi “chạy” quảng cáo với những bình luận tích cực phía dưới để cho những khách hàng có nhu cầu vay vốn tin tưởng vào khả năng của Bình. Sau khi khách hàng có nhu cầu vay vốn “cắn câu”, Bình hướng dẫn họ cách kết bạn qua zalo. Từ tài khoản zalo này, Bình tiếp tục hướng dẫn và yêu cầu khách phải làm hồ sơ vay ngân hàng với đầy đủ những giấy tờ rất “thật” như: Sổ đỏ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng.

Người dân khi có nhu cầu vay vốn cần trực tiếp đến các phòng giao dịch ngân hàng để được hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết. Để tránh bị lừa đảo, không được tuy tiện cung cấp thông tin cá nhân cho người không quen biết nhất là trên các trang mạng xã hội; không cho người khác sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch, tránh để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi hồ sơ được chuẩn bị xong, Bình hướng dẫn các khách vay phải đóng những khoản phí như phí hồ sơ, bảo hiểm, tiền trả góp lãi hàng tháng, tháng đầu tiên trước…Tin tưởng lời Bình và thấy những thủ tục được Bình hướng dẫn tối đa, nhiều người đã chuyển vào tài khoản của Bình những khoản phí này mà không hề mảy may nghi ngờ. Sau khi thấy tài khoản của mình nhận được tiền của các bị hại, Bình nhanh chóng xóa các liên hệ, chặn zalo, facebook của khách vay. Để cho khỏi nhầm lẫn trong việc lừa đảo, Bình còn cẩn thận ghi chép tên tuổi, địa chỉ, các thông tin, dữ liệu cá nhân của bị hại vào một cuốn sổ. Những lúc rảnh rỗi nghiên cứu khách vay, Bình thường mang cuốn sổ này ra ngắm nghía, chọn lọc “con mồi” tiếp theo.

Lôi kéo vợ hờ, em họ vào “công ty” lừa

Một trong những trợ thủ đắc lực giúp việc cho Bình là Đoàn Thị Hằng. Cả Bình và Hằng đều có một điểm chung đó là cùng từng là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên. Nhưng với Hằng lại đặc biệt, khi đối tượng lừa đảo lại chính là Bình. Vào tháng 10-2020, trong lúc bản thân có nhu cầu vay vốn để làm ăn, Hằng lên mạng và hỏi Bình những thủ tục vay vốn qua mạng xã hội. Bình “nhiệt tình” hướng dẫn Hằng làm các thủ tục, đóng những khoản “phí” và lần lượt chiếm đoạt tài sản của Hằng… 3 lần với tổng số tiền gần 10 triệu đồng. Sau khi biết mình bị lừa, Hằng khóc lóc và liên lạc với Bình để xin lại tiền. Chẳng biết Hằng nói thế nào mà Bình lại mủi lòng, trả lại cho Hằng 5 triệu. Từ đây, cả hai thường xuyên liên lạc với nhau.

Cũng vào thời điểm đó, Hằng vừa ly hôn. Có lẽ thiếu thốn cảm giác được chia sẻ khó khăn, nên khi được Bình quan tâm hỏi han, Hằng dần siêu lòng. Để thuận tiện cho việc sinh sống, cả hai thuê một căn hộ tại quận Hà Đông và ở với nhau như vợ chồng. Cũng từ đây, Hằng đã trở thành phụ tá đắc lực giúp Bình thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiệm vụ mà Bình giao cho “vợ” là Hằng sẽ đứng ra giao dịch, trò chuyện với những khách co nhu cầu vay vốn.

Đối với những khách vay số tiền từ 30-500 triệu đồng, Hằng sẽ tư vấn số tiền lãi phải trả hàng tháng như một nhân viên ngân hàng giàu kinh nghiệm. Tùy từng mức vay của khách hàng mà Hằng sẽ tư vấn số tiền lãi phải trả hàng tháng. Trường hợp khách nào hỏi khó hoặc thấy ca nào “khoai” quá, Hằng để cho Bình tự nói chuyện bằng nhiều hình thức như nói chuyện trực tiếp hoặc nhắn tin. Với kinh nghiệm của mình, Bình dễ dàng cho những khách hàng khó tính nhất vào bẫy lừa của mình.

Không chỉ vợ hờ, để phát triển rộng mạng lưới lừa đảo của mình, Bình còn lôi kéo dụ dỗ Nguyễn Đức Anh là em họ mình tham gia. Bình phân công cho Đức Anh nhiệm vụ tìm mua thẻ ngân hàng và đi rút tiền khi các bị hại đã chuyển khoản. Đối với mỗi một lần rút tiền của bị hại, Bình trả công cho đứa cháu sinh viên của mình số tiền từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Đối với một sinh viên, đây là số tiền khá lớn mà Đức Anh không lường trước hết được hậu quả bản thân đang phải đối mặt, gánh chịu trong chuỗi lừa đảo do người anh họ của mình điều hành.

Không chỉ có hai nhiệm vụ trên, Bình còn hướng dẫn cho Đức Anh cách sử dụng tài khoản facebook giả mang tên Trần Văn Tuấn và đăng các bài viết lên nhiều nhóm xã hội với nội dung chào mời người vay tiền, hướng dẫn cách trả lời các comment bình luận... Bên cạnh đó, chỉ trong thời gian ngắn vào đường dây trên, Đức Anh đã làm quen và móc nối được với Tùng, đối tượng chuyên bán thẻ ngân hàng. Đức Anh đã mua của Tùng 6 thẻ ngân hàng với giá mỗi thẻ là 1,8 triệu đồng. Toàn bộ số thẻ ngân hàng này đều được ổ nhóm trên sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn như trên, các đối tượng đã thực hiện thành công việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 400 người bị hại với số tiền là 1,5 tỷ đồng

Phân tích kỹ hơn về thủ đoạn của các đối tượng, Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội CSHS, CAQ Hoàn Kiếm cho biết: Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều người dân có nhu cầu vay vốn để làm ăn và dễ dàng trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng là giả danh cán bộ ngân hàng, đăng các thông tin hỗ̃ trợ vay vốn, giải ngân nhanh trên các trang mạng xã hội facebook. Khi người bị hại có nhu cầu vốn, đối tượng sẽ được các đối tượng hướng dẫ̃n kết bạn qua ứng dụng zalo, vay chụp ảnh giấy tờ làm hồ sơ vay vốn gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu chuyển cho các đối tượng.

Sau khi có thông tin, các đối tượng sẽ sử̉ dụng phần mềm trên điện thoại làm giả một bộ hợ̣p đồng tín dụng của ngân hàng, điền toàn bộ thông tin của người bị hại có ghi rõ số tiền cho vay, số tài khoản nhận tiền giải ngân và nêu rõ điều kiện để được giải ngân thì người bị hại phải đóng các khoản tiền vay mua bảo hiểm, trả góp trước 3 tháng, tiền phí lệnh giải ngân sau đó chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng mà các đối tượng yêu cầu. Sau khi tiền được chuyển vào các tài khoản, các đối tượng sẽ bịt khẩu trang và đến các cây ATM của các ngân hàng để thực hiện việc rút tiền chiếm đoạt, sau đó chặn zalo của người bị hại.

Trung tá Tống Đăng Công cũng khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay vốn cần trực tiếp đến các phòng giao dịch ngân hàng để được hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết. Để tránh bị lừa đảo, không được tuy tiện cung cấp thông tin cá nhân cho người không quen biết nhất là trên các trang mạng xã hội; không cho người khác sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện các giao dịch, tránh để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi gặp những vấn đề nghi vấn, có dấu hiệu bị lừa đảo cần dừng ngay mọi giao dịch liên quan đến tài sản, ngân hàng và cấp báo đến cơ quan Công an.