GDP Việt Nam 2014 sẽ tăng nhẹ lên 5,6%

ANTĐ - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam năm 2014 sẽ tăng nhẹ lên 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015, cùng  với những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết những yếu kém của hệ thống ngân hàng thương mại trong nước.

Dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng nhẹ lên 5,6%, trong năm 2014
 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015

Tăng trưởng kinh tế sẽ tích cực

Dự báo trên được đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2014 do ADB tổ chức sáng qua (1-4). Những nhận định của ADB được đưa ra dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và giả định về việc Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các biện pháp và chính sách ở mức vừa phải nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đạt được những bước tiến dần trong tiến trình cải cách cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. 

Ghi nhận của ADB cho biết, Việt Nam đang bước vào năm thứ 3 ổn định kinh tế vĩ mô với tỷ lệ lạm phát thấp, các dòng vốn xuất nhập khẩu mạnh hơn và tỷ giá ổn định. GDP quý I năm 2014 tăng trưởng xấp xỉ 5%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Hơn nữa, tình hình sản xuất chế tạo đầu năm, dấu hiệu ban đầu từ chỉ số quản lý mua hàng trong tháng 2 cho thấy sản lượng tiếp tục tăng.

Theo báo cáo của ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhẹ, đạt mức 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong năm 2015. Lạm phát được kỳ vọng giữ ở mức bình quân 6,2% trong năm 2014, và dự báo 6,6% trong năm 2015 khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Nhìn nhận về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá: “Tăng trưởng kinh tế sẽ đi theo chiều hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro trong khu vực ngân hàng, bao gồm việc mua một số lượng đáng kể nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC), tăng cường giám sát hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, sáp nhập và tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém”.

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu sẽ đòi hỏi Chính phủ phải đặt ra các mục tiêu cụ thể, chắc chắn cũng như lộ trình rõ ràng để thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực trong nước và quốc tế. Chính phủ cũng phải có giải pháp nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi.

Về rủi ro lạm phát, ông Dominic Mellor - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng: “Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn còn thấp và lạm phát vẫn ở mức một con số. Những rủi ro lạm phát trong ngắn hạn là không nhiều do nhu cầu tiêu dùng còn thấp”.

Cổ phần hóa phải giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp

Đánh giá về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đại diện ADB cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một chương trình tham vọng vì trong giai đoạn 2011-2013 chỉ có 99 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, trong khi Chính phủ đặt ra mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong hai năm 2014-2015.

“Trong bối cảnh như hiện nay, khi các nhà đầu tư nước ngoài còn dè dặt, và quy mô thị trường tài chính trong nước còn hạn hẹp, thì chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất tham vọng”, ông Tomoyuki Kimura nói.  

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, điểm quan trọng là quá trình cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh không phải cốt lõi mà chỉ là biện pháp của mục tiêu cải cách, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. 

Ông Tomoyuki Kimura chỉ ra rằng, nếu cổ phần hóa chỉ để cổ phần hóa thì không nói làm gì, nhưng cổ phần hóa giúp cải thiện quản trị doanh nghiệp mới đáng khuyến khích. Việc cổ phần hóa có thể đo lường bằng số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc khối lượng thoái vốn khỏi hoạt động  kinh doanh không cốt lõi. Tuy nhiên, kết quả không chỉ thể hiện qua các con số, điều quan trọng là nếu các doanh nghiệp nhà nước không tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, cũng như nỗ lực để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn thì không nhà đầu tư nào quan tâm tới cổ phiếu của họ.