GDP năm 2020 dự kiến tăng 2,5-3%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) diễn ra sáng nay (22/12), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP năm 2020 của nước ta dự kiến đạt 2,5-3%.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tại Việt Nam

Sáng 22/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF) chính thức khai mạc tại Hà Nội. Với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới”. Ông Phạm Bình Minh- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP. Dự kiến năm 2020, tăng trưởng GDP đạt 2,5-3%.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng khác về kinh tế- xã hội, đối ngoại...

“Các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nêu ra một số nút thắt đang cản trở hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kỳ vọng, Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các vấn đề này để doanh nghiệp Việt Nam khai thác được cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ Covid-19. Các vấn đề vướng mắc liên quan đến nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng việc các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành tháng 5/2020 mà trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”- ông Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lại băn khoăn về cách tính thuế tại Việt Nam. Theo ông Kim HanYong- Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 80% trong 3 quý đầu chưa phù hợp.

“Do ngày đến hạn thanh toán trong quý 4 là vào cuối tháng 1 năm sau, nên cuối cùng công ty phải quyết toán chậm nhất vào cuối tháng 1 để tính số thuế doanh nghiệp phải nộp cuối cùng và tính 80% cho phù hợp. Do đó, thời hạn quyết toán đến cuối tháng 3 theo luật trên thực tế không được áp dụng và doanh nghiệp phải quyết toán trước tháng 1 để tránh nộp thuế phạt bổ sung nên phát sinh rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”- ông Kim HanYong nói.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của VBF đối với quá trình nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách kinh tế; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch phát triển giai đoạn tới.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với dịch bệnh, thiên tai khắc nghiệt, khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam còn đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế và khu vực quan trọng với nhiều nhiệm vụ nặng nề, nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để tăng trưởng.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc kiến tạo môi trường thuận lợi để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi và vươn lên, lấy lại động lực phát triển trong trạng thái "bình thường mới" là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô năm nay.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư...

Theo Phó Thủ tướng, trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành và hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, về đầu tư, kinh doanh.

Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021-2030) với việc triển khai các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Phó Thủ tướng nhìn nhận cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các Chiến lược và Kế hoạch trên.

Tin cùng chuyên mục