GDP 6 tháng cuối năm tăng khoảng 5,1-5,2%

ANTĐ - Ngày 27-6, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo, thông tin số liệu thống kê kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm 2013. Đại diện của TCTK đã trao đổi với báo giới về các vấn đề đáng quan tâm.

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay tăng 4,9%. Với mục tiêu GDP cả năm tăng 5,5%, thì 6 tháng cuối năm cần tăng trưởng bao nhiêu? TCTK đánh giá thế nào về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng?

- Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (TCTK): GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 4,9%. Để đạt được mục tiêu cả năm Quốc hội đề ra là 5,5% thì 6 tháng cuối năm phải đạt được gần 6%. Các năm gần đây, 6 tháng cuối năm đều đạt được mức 6% hoặc cao hơn. Ví dụ: năm 2009 tăng 6,8%, năm 2010 tăng 8,2%… Riêng 6 tháng cuối năm của 2012 là 5,5%. Tuy nhiên nền kinh tế của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như sản xuất đình trệ, tổng cầu của nền kinh tế giảm... 6 tháng cuối năm không thể đẩy mạnh tăng được tổng cầu nhanh. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% cả năm nay, Chính phủ cần có các giải pháp đột phá. Tuy nhiên khi đưa ra giải pháp này phải lường trước được các rủi ro cho thời kỳ sau. Dự báo của TCTK khả năng 6 tháng cuối năm nay GDP tăng 5,1- 5,2%.

- Lạm phát 6 tháng đầu năm thấp khiến nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc kích thích tăng trưởng. Quan điểm của TCTK về vấn đề này như thế nào?

- Ông Hà Quang Tuyến: 6 tháng đầu năm 2013, lạm phát khá ổn định. Nhiều ý kiến cho rằng lạm phát ổn định rồi thì phải quan tâm đến tăng trưởng GDP. Chúng tôi thấy về mặt lý thuyết thì sự thay đổi về giá cả có tác động lớn đến kinh tế. Giá cả tăng ổn định thì ảnh hưởng tốt, nhưng giá cả tăng đột biến lại thúc đẩy lạm phát. Những năm gần đây, GDP tăng nóng chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư. Tuy nhiên qua nghiên cứu, thực tế mỗi nước quan hệ giữa GDP với lạm phát khác nhau, có lúc cùng chiều, có lúc ngược chiều. Năm 2011, lạm phát tương đối cao 18,58% nhưng GDP tăng có 6,24%. Trong thời điểm hiện nay, việc đặt ra các chính sách phải đồng thời quan tâm đến kiềm chế lạm phát và tăng trưởng, vì có tăng trưởng mới có điều kiện vật chất ổn định đời sống, giải quyết công ăn việc làm, các vấn đề xã hội. Khi đề ra biện pháp kích thích tăng trưởng cần hết sức cẩn trọng, các hình thức kích thích tổng cầu phải đảm bảo mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng…

- CPI 6 tháng đầu năm nay tăng 2,4%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chúng ta đã có thể yên tâm về lạm phát chưa?

- Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK): Khi lạm phát đã chớm tăng thì kiểm soát rất khó. Lạm phát nước ta rất nhạy cảm với điều kiện tạm thời, hay nói cách khác là trạng thái lạm phát ổn định của ta không vững chắc, dễ bị phá vỡ, lạm phát cao dễ quay trở lại. Chính phủ nên tập trung kiểm soát lạm phát, không chỉ khi lạm phát cao, mà cả khi thấp vẫn phải kiên trì kiểm soát để tránh lạm phát cao quay trở lại. 

Tháng 9 năm 2012, CPI tăng rất cao do giá dịch vụ y tế của nhiều địa phương, giá học phí giáo dục tăng cao nhưng chúng ta kiểm soát tốt nên CPI chỉ tăng 6,81%. Từ nay đến cuối năm, một số địa phương trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức viện phí mới. Tuy nhiên, số tỉnh thực hiện không nhiều. Nếu cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng chỉ số chung 0,75% nhưng thành phố Hồ Chí Minh có thể chưa tăng trong năm nay. Địa phương này dự kiến tăng học phí giáo dục công lập, gấp 5-6 lần hiện tại, ảnh hưởng đến 0,7% chỉ số CPI của cả nước. Điện có thể tăng giá, tác động vòng 1 khoảng 0,25% CPI chung. Từ nay đến cuối năm đang là mùa mưa bão cũng sẽ ảnh hưởng tới CPI. Với tốc độ tăng CPI hiện nay, dư địa để đến mục tiêu Quốc hội đề ra còn nhiều. Nhưng sự ổn định của lạm phát rất mong manh nên khi có quyết sách lớn thì cần quan tâm tới lạm phát năm tới.