Gây bức xúc lớn, các dự án giao thông BOT được Quốc hội đưa vào giám sát

ANTĐ - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) là 1 trong 4 vấn đề bức xúc lớn trong xã hội, dự kiến sẽ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề trong năm 2017.
          Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) là một trong 4 vấn đề bức xúc lớn trong xã hội, dự kiến sẽ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề trong năm 2017.

Thời gian qua, việc các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, thu phí cao

khiến nhân dân rất bức xúc

Sáng nay, 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017. Theo đó, trong năm 2017, dự kiến Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9-2017; Hội đồng dân tộc giám sát 3-4 chuyên đề, các Ủy ban giám sát 1-2 chuyên đề.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề năm tới cần dựa trên các tiêu chí cơ bản như: là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với công tác xây dựng pháp luật; không trùng với các chuyên đề đã được giám sát trong khoảng từ 3 đến 5 năm gần đây....

Qua lấy ý kiến và từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung cụ thể sau: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

 Thảo luận để lựa chọn 4 trong 6 nội dung giám sát chuyên đề được Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét lựa chọn 4 chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển. 

Riêng về số lượng chuyên đề giám sát của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong năm 2017, ngoài Quốc hội giám sát 2 chuyên đề; Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, thì các cơ quan khác của Quốc hội nên lựa chọn các chuyên đề phù hợp, báo cáo để Tổng thư ký Quốc hội thực hiện điều phối hợp lý, tránh chồng chéo. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thành phần đoàn giám sát phải gọn nhẹ, thiết thực, tránh việc địa phương 2 đoàn giám sát đến làm việc...