Gas liên tiếp tăng giá, hàng hóa vẫn đứng yên

ANTĐ - Trong 3 tháng kể từ tháng 10-2015, gas liên tiếp tăng giá khiến giá bán lẻ mặt hàng này đến tay người tiêu dùng đã tăng thêm 43.500 đồng/bình 12kg so với trước đó. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo động cho một chu kỳ tăng giá các mặt hàng khác dịp cuối năm?
Gas liên tiếp tăng giá, hàng hóa vẫn đứng yên  ảnh 1

Nhu cầu tiêu dùng gas giảm do nhiều người dân chuyển sang dùng bếp điện

Tăng giá mạnh dịp cuối năm

Tháng 10-2015, giá gas trong nước bắt đầu trở lại chu kỳ tăng lên sau nhiều tháng giảm giá với mức tăng chỉ 10.000 đồng/bình 12kg. Ngay tháng sau đó, giá mặt hàng này lại tiếp tục tăng thêm 17.000 đồng/bình 12kg so với tháng 10. Và từ hôm qua (1-12), gas lại tiếp tục tăng thêm 16.500 đồng/bình 12kg. Như vậy, sau 3 lần điều chỉnh giá liên tiếp, giá bán lẻ gas đã chênh 43.500 đồng/bình 12kg so với đầu tháng 9, lên mức 308.500 đồng/kg.

Chị Đặng Thị Hoa (khu đô thị mới Xa La - Hà Đông) cho biết: “Thông tin giá gas lâu nay được công bố vào đầu tháng, tôi thấy có tăng, có giảm và giải thích công khai. Thế nên mặc dù tâm lý không ai muốn hàng hóa tăng giá, nhưng diễn biến này không gây sốc”. 

Theo anh Đỗ Hữu Mạnh (nhân viên cửa hàng gas tại Phùng Khoang - Nam Từ Liêm), tiêu thụ gas lẻ đã giảm khá mạnh trong thời gian gần đây. “Nhiều hộ gia đình ở các khu chung cư, khu đô thị mới chuyển sang nấu bếp điện cho nhanh, sạch sẽ và an toàn nên nhu cầu tiêu dùng gas không còn như trước nữa. Ví dụ, trước bán được 10 bình/ngày thì giờ chỉ còn bán được 4-5 bình/ngày. Gas tăng giá hay giảm giá không tác động quá mạnh đến người dân”- anh Mạnh chia sẻ.

Lâu nay, giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh phụ thuộc rất lớn vào giá khí hóa lỏng (LPG) thế giới theo tỷ lệ thuận. Thông thường, vào dịp cuối năm, do thời tiết lạnh nên nhu cầu dùng LPG trên thế giới tăng lên. Ở trong nước, mặc dù tăng giá 3 tháng liên tiếp nhưng giá gas tháng 12-2015 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Theo đó, trái ngược với diễn biến này, trong 3 tháng cuối cùng năm 2014, giá gas liên tục giảm đến 93.000 đồng/bình nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức 330.000 - 337.000 đồng/bình, cao hơn mức hiện tại gần 30.000 đồng/bình. Trong khi đó, tháng 12-2013, giá gas trong nước lập mức kỷ lục, lên mức gần 490.000 đồng/bình 12 kg sau khi tăng thêm 80.000 đồng/bình so với tháng 11-2013. 

Không ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa 

Theo quy luật, dịp cuối năm, giá cả hàng loạt mặt hàng sẽ tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng cục bộ. Vì vậy, bất kỳ biến động tăng giá hàng hóa, dịch vụ nào thời điểm này cũng được coi là “nhạy cảm” và cần được kiểm soát. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm gần đây, xu hướng biến động giá hàng hóa, dịch vụ dịp Tết rất thấp do nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả được kiểm soát tốt và nhu cầu tiêu dùng của người dân không có đột biến.

Với diễn biến giá gas hiện tại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Giá gas chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu giá các loại hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, dù gas tăng giá nhưng không ảnh hưởng nhiều đến giá cả nói chung”. Theo ông Nguyễn Minh Phong, dịp Tết năm nay, giá cả khó tăng đột biến vì Nhà nước đang kiểm soát khá chặt chẽ đầu tư công, nguồn cung tiền không lớn. Trong khi đó, cung nhiều mặt hàng đang lớn hơn cầu. Giá dầu thô - nguyên liệu đầu vào của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thấp hơn khoảng 20% so với hồi đầu năm nay, nên các yếu tố thúc đẩy giá tăng vọt gần như không có.

Đồng quan điểm này, một chuyên gia kinh tế khác cho hay, giá gas nằm trong nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tính CPI. Tỷ trọng cả nhóm này chỉ chiếm 9,99% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, gas tăng giá người tiêu dùng chịu tác động trực tiếp nhưng không lớn. “Thị trường gas đã có sự cạnh tranh, song nhược điểm của hệ thống phân phối nhiều tầng nấc, dẫn đến giá cao, khó kiểm soát chất lượng vẫn cần được quan tâm” - vị chuyên gia này nói.

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), CPI tháng 10 và tháng 11 tăng rất thấp. Nhiều khả năng cả năm 2015, CPI chỉ tăng khoảng 1% so với năm 2014. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương vẫn yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp lễ, Tết cuối năm để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, việc điều hành giá xăng dầu trước, trong và sau Tết cũng cần được cân nhắc để không ảnh hưởng đến CPI.