Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi "2 trong 1"

ANTĐ - Hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 1-7 tới. Đây là thời điểm học sinh và giáo viên các trường gấp rút hoàn thành việc ôn thi để vững vàng tham gia một kỳ thi 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi "2 trong 1" ảnh 1Hơn 1 triệu thí sinh cả nước sắp tham dự kỳ thi THPT quốc gia 

Với việc công khai đề thi minh họa, Bộ GD-ĐT đã giúp học sinh, giáo viên hiểu rõ cách thức ra đề của kỳ thi này với yêu cầu ở nhiều mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Lưu ý với thí sinh về cách làm bài thi, giáo viên trường THPT Việt Đức chia sẻ, học sinh cần chú ý rèn luyện kĩ năng làm bài trong các lần thi thử. Thí sinh nên đọc đề lần lượt, câu nào định hình cách làm thì làm trước. Thí sinh cũng nên luyện những kỹ năng loại trừ, phán đoán tìm kết quả các câu khó. Thí sinh kiểm tra bài sau khi làm được 50% đề thi, tiếp tục làm và kiểm tra sau khi làm thêm được 20% câu hỏi. Hoàn thiện bài thi trong khả năng của mình và kiểm tra lại toàn bộ bài thi, nộp bài khi hết giờ, không nộp trước tránh những sai sót có thể phát hiện ra sau khi nộp bài.

Trước tâm lý bất ổn của nhiều thí sinh có kết quả thi không tốt, các chuyên gia cho rằng không nên nhìn vào điểm số mà chủ yếu tập trung làm quen với đề thi trên cơ sở hệ thống hóa kiến thức cho học sinh. Tại Nam Định, kỳ thi thử trên toàn tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 7-6-2015. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, ông Cao Xuân Hùng, cho biết: quan điểm chỉ đạo của Sở là kỳ thi chỉ nhằm giúp các em làm quen với đề thi, kỹ năng làm bài thi.

Thực tế, với những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia, điều thấy rõ nhất là thí sinh không mất thời gian, kinh phí di chuyển để dự 2 kỳ thi như những năm trước. Việc đổi mới thi cũng giúp không ít thí sinh xác định rõ mục tiêu tương lai của mình, chọn các hướng đi phù hợp thay vì chỉ duy nhất một mục tiêu vào đại học với tổng số gần 300.000 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ thí sinh đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ ảo được đánh giá là giảm rõ rệt. Kỷ luật phòng thi cũng được đánh giá là sẽ nghiêm túc hơn với sự chủ trì của các trường ĐH lớn.

Tuy nhiên, để thực sự thay đổi cách học của học sinh, nhiều chuyên gia cho rằng bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vừa diễn ra mới có thể đáp ứng yêu cầu khi đòi hỏi ở thí sinh khả năng tổng hợp, phân tích, vận dụng liên môn… đồng thời gần như khắc phục triệt để tiêu cực trong cả coi thi lẫn chấm thi như quay cóp, chép bài hay đánh dấu, chạy chọt để được nâng điểm khi chấm thi…

Tin cùng chuyên mục