Gặp người có được cây phong ba ở Hoàng Sa

ANTĐ - Rất nhiều người Việt Nam đang sở hữu cây phong ba ở Trường Sa nhưng cây phong ba ở Hoàng Sa thì chỉ có một người đang giữ.

Người đó là ông Mai Phụng Lưu, quê đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - nhân vật đang rất “hot” trên các chương trình truyền hình trực tiếp thời gian qua.

Cây phong ba ngoài Hoàng Sa trong nhà ông Mai Phụng Lưu.
Cây phong ba ngoài Hoàng Sa trong nhà ông Mai Phụng Lưu.

Trong nhà Mai Phụng Lưu hiện nay có một cây phong ba đã thành… gỗ! Hỏi vì sao không “nuôi” nó sống mà biến cây phong ba thành gỗ? Lưu giải thích: “Tôi đào cây này ngoài cù lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa cách nay cũng gần chục năm rồi. Tôi đào cây phong ba này, mục đích chính là muốn mang theo một phần máu thịt từ Hoàng Sa về Lý Sơn”.

Rất cẩn thận và cũng rất nâng niu “báu vật” này, Mai Phụng Lưu đem sơn PU cho toàn bộ thân và gốc cây, trông bóng loáng như bộ ghế salon vậy. Anh đặt ngay phòng khách, ai vô nhà anh cũng nhìn thấy cây phong ba này trước tiên.

Theo kinh nghiệm của Mai Phụng Lưu, cây phong ba này có tuổi thọ (cho đến lúc đào mang về năm 2002) không dưới 50 năm. Lưu bảo rằng ở cù lao Ông Già có rất ít cây phong ba, anh lựa cây to nhất này để đào. Nghe anh Lưu nhắc đến địa danh “cù lao Ông Già” rất lạ, tôi hỏi anh: “Sao lại đặt tên cù lao Ông Già? Hình như tên này không có trong bất cứ một tài liệu nào về các hòn đảo ngoài Hoàng Sa?”.

Mai Phụng Lưu
Mai Phụng Lưu

Lưu giải thích lai lịch tên gọi của hòn đảo này như sau: Hoàng Sa có tổng cộng gần 20 đảo lớn nhỏ. Cù lao Ông Già này là đảo nhỏ, diện tích khoảng vài ngàn mét vuông, chắc là cũng có tên nhưng ngư dân Lý Sơn tự đặt tên cho hòn đảo này theo cách của họ. Khi ra đánh cá ngoài vùng biển Hoàng Sa, bất cứ tàu cá nào của ngư dân Lý Sơn cũng đều ngang qua cù lao này trước tiên. Trên đảo có nhiều cỏ, một ít cây phong ba, mùa hè loài vích về đây đẻ trứng rất nhiều.

Cách đây khoảng 30 năm, thời ngư dân Lý Sơn còn ra Hoàng Sa thường xuyên và không gặp “tàu lạ”, họ thường ghé lên đảo này để “giải lao”, vì trên đảo có một cụ già người gốc Việt, khoảng 60 tuổi. Ông ở trong một ngôi nhà khá đơn sơ, hàng ngày chỉ làm một việc là nhặt trứng vích để chuyển vô đất liền. Ông già thì cung cấp thuốc lá, một ít rượu cho ngư dân Lý Sơn, đổi lại, ông nhận từ họ một ít cá tươi và mực khô.

Bảo tàng Hoàng Sa tại Lý Sơn đã có ý “xin” Mai Phụng Lưu cây phong ba này để trưng bày nhưng anh còn đang lưỡng lự. “Tôi muốn Hoàng Sa luôn có mặt trong ngôi nhà của mình”. Lưu cho biết lý do chưa tặng cây phong ba là vậy.

Năm 1984, trong chuyến biển xuyên tết năm ấy, Lưu (bấy giờ 20 tuổi) cùng 4 bạn chài nữa ở lại luôn trên cù lao ăn tết với ông già này. Trong một buổi chiều ngày mùng 2 Tết, sau tuần rượu đón khách, ông già vào nhà lấy một thẻ nhang rồi cầm tay Lưu dắt về phía cuối đảo. Ông chỉ cho Lưu 2 nấm đất, qua cử chỉ của ông, Mai Phụng Lưu hiểu rằng bên dưới lớp cỏ kia là xương thịt của ngư dân Việt Nam bị tử nạn lúc ra Hoàng Sa đánh cá từ nhiều năm trước. Cả 5 anh em ngư dân Lý Sơn lúc ấy, lòng ai cũng trĩu buồn.

Lưu nói rằng, bấy giờ anh còn quá trẻ nên không thể hiểu hết sự thiêng liêng của một thẻ nhang đốt lên hai nấm đất giữa trùng khơi này. Mỗi năm thêm một tuổi, hình ảnh hai nấm đất ấy cứ đi về trong mỗi giấc ngủ của Mai Phụng Lưu. Anh tự dặn lòng mình rằng, phải mang một kỷ vật nào đó từ chính cù lao này về Lý Sơn để làm kỷ niệm. Cho mãi đến năm 2002, tâm nguyện ấy của Lưu mới thành hiện thực.