Chuyện thần ngư ở cửa biển thiêng Thái Bình (4):

Gặp hạn vì dám xẻ thịt "xơi tái" thần ngư

ANTĐ - “Cả làng hí hửng sau bữa mổ thịt “ngài” chia nhau mang về ăn. Ai ngờ, ăn xong ai nấy đều ôm bụng vì đau đớn”- ông Ngư kể.

"Yểm" thần ngư lấy may

“Tôi không biết ăn thịt cá heo độc hại hay làm sao thì tôi không rõ nhưng ngư dân chúng tôi chẳng ai dám ăn cả. Không phải vì mới đây những người dân ở xã Thụy Xuân ăn cá heo bị ngộ độc mà từ trước đến nay người đi biển chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ mổ thịt “ngài” như thế”- ông Phạm Khắc Ngư ở thôn Sơn Thọ, xã Thái Thượng, khẳng định.

Mỗi khi ngư dân ra khơi họ đều làm lễ cầu may mắn tại miếu thần ngư

 Quả thật, tôi thấy từ côn trùng cho đến cá nóc độc thế mà nhiều người vẫn ăn. Nhưng cấm có thấy ai nói “ăn cá heo ngon quá" cả. Thế nên tôi nghĩ hiếm người ăn cá heo, và họ cũng “kiêng” như ngư dân đi biển sau những câu chuyện về loài cá thân thiện này. Nếu người ta mà không “kiêng kỵ” thì có khi trên tấm biển nhà hàng nào đó còn có cả “cá heo 7 món ấy chứ”. Thế mới có chuyện người ta chỉ đem “ngài” hạ âm lưu giữ mỗi khi “ngài” lụy. Tín hơn, có làng còn cử người đi “tiền trạm” trước để đặt hàng xem ở đâu bắt được, hay gặp được cá heo lụy thì mua lại với bất cứ giá nào để về “yểm” lấy may mắn cho mỗi chuyến ra khơi...

Chuyện một số người dân Thụy Xuân ăn thịt cá heo bị ngộ độc hay do sự trùng lặp nào đó không may xảy ra sau khi chén “ngài” thì người dân dọc ven biển xã Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình không tách bạch làm gì cả. Bởi theo họ quan niệm ai không tin hay là làm điều gì đó với loài cá mà thân thiện với con người, đặc biệt gần mình nhất như cá heo thì sẽ gặp điều không may mắn.

Ông Ngư kể về chuyện cụ Phúc từng được thần ngư cứu nạn

Không phải trong tâm thức của người dân Việt Nam đi biển, mà thực tế đã chứng minh, cá heo là loài có trí thông minh phát triển. Nó có thể giúp đỡ người bị nạn như một bản năng mà tưởng như chỉ có ở trí tuệ con người. Hơn nữa, đối với họ luôn quan niệm một điều, cá heo xuất hiện nơi đâu thì nơi đó được rằng “đất lành” linh thiêng. Bởi thế, ngư dân ven biển tôn thờ cá heo không phải không có lý của họ.

“Anh không tin tôi thì có thể hỏi nhiều người dân ở Thái Thụy sẽ rõ. Cá heo về chầu khi ấy ở cửa biển này, cụ Nguyễn Văn Phúc là người dân Thái Thượng còn sờ được vào “ngài”. Rồi ông cụ còn bám vào vây “ngài” để bơi theo vùng vẫy dưới nước rất lành mà không hề sợ” - ông Giang Văn Thuyên, Trưởng Ban quản lý di tích xã Thái Thượng cho biết.

Cá heo thân thiện con người thì đã rõ. Chính vì thế loài cá có trí thông minh đặc biệt này không chỉ được các ngư dân tôn thờ như vị thần của biển cả mà còn được giới huấn luyện xiếc trên toàn thế giới tự hào về những vũ điệu nhào lộn, nhảy múa mà nó mang lại trước hàng trăm con người trong mỗi “sâu” diễn.

“Tôi đi biển gặp cá heo còn bơi theo thuyền rồi nhảy múa bên thuyền mà không mấy khi chúng sợ người đâu. Thậm chí chúng còn biết đùa phun nước hay quẫy đuôi nước bắn tung tóe lên thuyền cơ” - anh Trần Văn Toản, người thôn Sơn Thọ, hào hứng kể.  

Chị Viến ngư dân Thái Thượng kể chuyện từng gặp thần ngư trên biển đùa rỡn với thuyền cá của chị

Dường như có sự chắp nối tình cảm vô hình nào đó giữa con người với loài cá heo, đặc biệt là đối với ngư dân vùng biển. Hoặc tại bởi quy luật tự nhiên vốn có của Việt Nam với bờ biển trải dài trên dọc đất nước để thủy thổ giao hòa như sự tất yếu không thể khác đã mang lại cho những người mưu sinh bằng nghề biển.

Thoát chết nhờ thần ngư

Ngư dân thì cho rằng việc cá heo về chầu không phải là thần thoại hay điều gì đó bất thường cả, bởi chuyện này xảy ra như cơm bữa ở cửa biển vùng Thái Bình, Nam Định... Song, chỉ có điều, họ tôn thờ cá heo như một vị thần cho nên mỗi khi ngài về chầu, hay không may lụy tại cửa biển thì ngư dân làm lễ rước và mong được lưu lại coi đó như việc tri ân những may mắn mà họ cho rằng “ngài” mang lại mỗi khi ra khơi an toàn. Sự tri ân của ngư dân với thần ngư, với biển cả cũng là truyền thống tốt đẹp mà nghìn đời qua cha ông đi trước đã từng làm. Những miếu thờ cá heo, hay lăng lưu giữ cá heo có từ nhiều thế kỷ trước ở bất cứ nơi nào trên dải biển Việt Nam cũng đều là sự tiếp nối và kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống nguồn cội, về tập tục của ngư dân vùng biển, và đó đồng thời cũng là sự tự hào về đất nước Việt Nam có rừng vàng biển bạc mênh mông trải dài trên hình chữ S từ thuở sơ khai đến nay vẫn vậy.

Hàng trăm mộ lưu giữ thần ngư từ nhiều đời qua trên cửa biển

Câu chuyện cá heo cứu người trên vùng biển Việt Nam mỗi khi ngư dân gặp bão tố hay hoạn nạn được người đi biển nhớ rất rõ. Và họ luôn khẳng định đó là sự thật hoàn toàn. Cách đây vài năm, chính ngư dân có tên Nguyễn Văn Phúc đã được 3 con cá heo cứu khi bị gặp nạn trên biển. Giờ ông Phúc đã qua đời vì tuổi cao, song con cháu và những người đi biển vẫn nhớ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

“Khi ấy gặp bão, thuyền của cụ Phúc gặp nạn ở cách đất liền chừng chục hải lý. Toàn bộ những người trên thuyền còn hoảng hốt tìm cụ Phúc thì thấy đang được 3 con cá heo vùng vẫy quẩn nước cho cụ nổi trên mặt. Mấy người nhìn thấy vậy, đã ném dây phao xuống đưa cụ lên thuyền an toàn” - ông Ngư kể.

“Nhiều người bảo số ông cụ may thế, chẳng hiểu run rủi thế nào mà mấy chú cá heo lại gặp biết rằng đang gặp nạn mà quấn quanh ông cụ rồi vẫy nước tung tóe một vùng, cho nên người ta mới biết mà vớt ông lên chứ. Đưa lên thuyền đã thấy ông kiệt sức rồi, còn khỏe đâu mà bơi nữa” - anh Nguyễn Văn Thuần, người con trai thứ 2 của cụ Phúc ở xã Thái Thượng, khẳng định.

Đón đọc bài 5: Mắt thần kỳ diệu của ngư dân biển cả