Gập ghềnh về với chèo truyền thống

ANTĐ - Liên hoan sân khấu chèo về đề  tài hiện đại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Thái Bình vừa khép lại. Những tưởng liên hoan là dịp để hâm nóng lòng yêu nghề trong từng nghệ sĩ vào lúc nghệ thuật sân khấu buồn đến hắt hiu này.

Vở “Đất làng” với phần kịch nhiều hơn phần chèo

Nhưng kỳ vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu. Trước liên hoan khai mạc, không ít nghệ sĩ thấy lo bởi Ban giám khảo, những người cầm cân nảy mực, dường như chưa đủ tầm để đặt niềm tin. Thường thì Ban giám khảo phải đủ các thành phần nhà biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên và phê bình sân khấu. Nhưng, Ban giám khảo lần này không hiểu sao lại vắng mặt hai thành phần quan trọng nhất là đạo diễn và nhà biên kịch…

Đêm cuối cùng, khi BTC công bố kết quả giải thưởng, các nghệ sĩ ngồi trong khán phòng Nhà văn hóa Lao động Thái Bình gần như “chết lặng”, nhiều nghệ sỹ đã không lên nhận giải, có lãnh đạo đoàn cử nhân viên lên nhận thay còn mình thì lẳng lặng bỏ ra ngoài.  Những cái  lắc đầu  thất vọng, những, giọt nước mắt  bất  lực, uất ức và mất niềm tin. Vui sao được khi những vở diễn yếu kém cả về chất lượng nghệ thuật, nội dung, hình thức nhưng lại được bước lên bục cao nhất để nhận huy chương vàng. Có những vở diễn được bạn nghề và khán giả trân trọng, khâm phục lại…  trắng tay. Có nghệ sỹ diễn tốt, hát hay và đã khẳng định tài năng  trong nhiều năm qua chỉ đạt huy chương bạc, một số nghệ sỹ hát chông, phô, chệch nhịp vẫn được trao giải vàng…

Điều đáng nói là một số vở “kịch chèo” (kịch nói lồng âm nhạc và các làn điệu chèo) lại được trao giải cao trong liên hoan. Điều này có phải là nghịch cảnh không, trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật ra sức giữ gìn, bảo  tồn nghệ thuật chèo truyền thống. Trao giải cho các vở “kịch chèo” chính là khẳng định sự tồn tại của loại hình nghệ thuật chắp vá này. Đây là mối nguy hiểm khôn lường trong định hướng phát triển nghệ thuật chèo, làm cho các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ bế tắc hơn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đặc sắc này. Có nghệ sĩ phải thốt lên chua xót: “Cứ kiểu tổ chức liên hoan như thế này, một ngày không xa người ta sẽ sáp nhập các đoàn kịch nói với chèo”.

Khi nhận được nhiều tiếng nói chất vấn xung quanh việc trao giải, Ban giám khảo thành thật mà rằng: “Ban giám khảo chúng tôi xem để đánh giá, phân định ra các giải thưởng, còn việc trao giải vàng giải bạc cho đơn vị nào thuộc quyền quyết định của ban chỉ đạo và  tổ chức  liên hoan. Chúng tôi chỉ có vai trò tư vấn”. Khi nghe câu chuyện này, một ông trưởng đoàn đau đớn nói: “Ở liên hoan này có hai sân khấu. Một sân khấu biểu diễn dành cho các nghệ sĩ đổ mồ hôi nước mắt để trình diễn thi thố, phía sau sân khấu của nghệ sĩ có một sân khấu nữa, đó là sân khấu sắp đặt giải thưởng của những người tổ chức liên hoan”.

Thêm một lần nữa, những vấn đề nảy sinh từ Liên hoan chèo đề tài hiện đại không chỉ làm héo úa tình yêu nghề của người nghệ sĩ chân chính, mà còn làm con đường trở về với truyền thống đích thực của chèo vốn đã gập ghềnh lại càng gập nghềnh hơn.