Gặp chiến sĩ từng hai lần truy điệu sống

ANTĐ - Hai lần được đồng đội làm lễ truy điệu sống, đọc điếu văn trước khi ra trận. Có những trận đánh ông lái hàng chục vòng ca nô làm nổ hàng chục quả bom từ trường (thủy lôi) góp công lớn vào việc cho xe cộ vượt qua phà để vào trận tuyến. Về thời bình, ông đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Người đó chính là Lại Đăng Thiện, xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An mà chúng tôi có dịp gặp mặt. 

2 lần truy điệu sống vẫn không “chịu” chết

Tìm đến nhà ông Thiện, ấn tương đầu tiên với chúng tôi là một con người có nước da đen ngăm, mái tóc đã ngả màu muối tiêu nhưng hành động của ông thì nhanh thoăn thoắt khó ai có thể sánh kịp. Đó có lẽ là cũng nhờ vào quãng thời gian tôi luyện trong quân đội đã rèn luyện cho con người ông. Ban đầu ông đã một mực bảo rằng không kể về quá khứ vì ông bảo rằng đó là chiến công của tất cả đồng đội, của cả mọi người chứ không riêng gì của ông. Nhưng vốn người giàu tình cảm, rồi ông cũng trút bầu tâm sự kể hết về cuộc đời mình.

Lại Đăng Thiện (SN 1947) nhập ngũ tháng 3 – 1965 khi vừa tròn 18 tuổi. Được phân vào Tiểu đoàn  27 – Công binh Quân khu 4. Và cũng chính từ đó đời quân ngũ của ông gắn liền với những con phà và những tọa độ bom lửa từ đó. Trong chiến tranh việc gì cũng vất vả nhưng thử hỏi còn việc gì vất vả nguy hiểm hơn việc lái ca nô đưa phà qua sông. Thế mà trong 8 năm (1965- 1973), khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Lại Đăng Thiện đã hàng trăm lần lái ca-nô kéo phà, lái ca-nô kích bom từ trường Mỹ. Trong 8 năm đó Lại Đăng Thiện đã tham gia rà phá bom từ trường trên các bến phà cho xe chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đi thị sát chiến trường miền Trung và cũng đã tham gia vào rà phá bom từ trường cho xe chở Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vĩnh Linh dịp Tết 1972. 

Với ông trong cuộc đời làm lính những năm lái ca nô dưới làn mưa bom bạo đạn của Mỹ, ký ức khó quên nhất, xúc động nhất là hai lần được Tiểu đoàn 27 tổ chức lễ truy điệu sống. Ngồi tại căn nhà khang trang mà vợ chồng ông đã chắt chiu xây dựng, nhấp một ngụm nước chè ông  kể trong xúc động:

Lần thứ nhất, vào tháng 11-1967, tại bến phà Long Đại (Hiền Ninh - Quảng Bình), đã hơn 3 ngày đêm, phà Long Đại bị bom từ trường Mỹ thả xuống đây dày đặc, xe pháo của ta ứ lại ở phía bờ Bắc không thể tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Không còn cách nào khác lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 (D27) bằng mọi cách phải nổi bến, thông phà. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng ca nô kích bom từ trường nổ. Với cách này đòi hỏi các chiến sỹ lái ca nô nhanh, khéo, mẹo và quan trọng hơn là tinh thần cảm tử. Thế rồi tổ lái ca nô gồm: Lại Đăng Thiện, Hà Huy Ty, Nguyễn Văn Thương, Đậu Anh Côi khi đó tuổi đời mới ở độ 20 đã được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Lời điếu văn của đồng chí Tiểu đoàn trưởng vừa dứt lời thì bốn cánh tay giơ lên cùng lời thề hô vang “Quyết tử cho Tổ quốc”. Giọng hô vang dội thế nhưng trong  những con người đó họ thừa biết rằng chỉ vài phút nữa sự sống sót chỉ còn trong gang tấc, mình có thể bị nổ tan xác, sự sống sót được đặt vào 0,01 % nữa mà thôi! Họ nhìn nhau nhìn đồng đội và nén nước mắt… trong giây lát tổ lái canô rú máy tăng ga lao nhanh về phía bờ Nam… Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về trong niềm vui kèm nỗi xúc động của đồng đội.

Theo ông lần thứ hai là nguy hiểm, ác liệt hơn cả. Hôm đó vào 18-2-1968, tại phà Linh Cảm (Hà Tĩnh), tổ lái ca-nô gồm: Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình của C1 (Đại đội 1) D27 được điều về Linh Cảm cùng với Vũ Ngọc Chương của C2 (Đại đội 2) được lênh lái canô thông phà. Phà Linh Cảm nằm giữa ngã 3 Ngàn sâu - Ngàn phố, con đường vào Nam hoặc sang Lào đều phải qua đây, đã hơn 2 ngày đêm bị bom từ trường Mỹ khống chế… Tổ cũng được phòng công binh quân khu 4 tổ chức lễ truy điệu sống, cũng có đầy đủ thủ tục đọc điếu văn, tuyên thệ… Đau đớn nhất là lần này đồng chí Vũ Ngọc Chương đã hi sinh dũng khi lái tàu qua 4 vòng. Còn đồng chí Đậu Anh Côi bị thương nặng. Nến đau thương vào lòng,  Lại Đăng Thiện đã cùng với Nguyễn Xuân Tình đã lái canô tới 19 vòng (trong khi quy định mỗi chiến sỹ chỉ được lái 3 vòng), làm nổ 12 quả bom từ trường… Góp công lớn vào việc cho xe  vượt qua phà để vào Nam.  Trong cuộc đời quân ngũ, Lại Đăng Thiện đã ra trận tuyến hang chục lần, phá hàng trăm quả thủy lôi giúp phần đưa quân ra tiền tuyến.

Sau năm 1968, Lại Đăng Thiện đã được tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng 3”, “Bằng khen dũng sỹ phá bom ưu tú”, “Chiến sỹ thi đua”.

“Bà đỡ” cho 400 em bé

Lại Đăng Thiện xuất ngũ tháng 10 năm 1975, ông về quê chăm sóc bố mẹ già yếu; vợ đi công tác xa nhà, con gái đầu lòng cai sữa lúc 6 tháng tuổi. Về quê thương vùng quê nghèo, thương những người dân lam lũ, thương những người bà con chòm xóm của mình ốm đau bệnh tật mà không có tiền đi viện, sau hai năm làm kế toán ở xã, tháng 2 năm 1978 ông quyết định đi học 2 năm ở trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh, ông theo học chuyên khoa sản, những năm tháng học ở trường cũng đầy khó khăn vất vả đối với ông vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều kỷ niệm không bao giờ ông quên. Ông nhớ lại: “Kỷ niệm đầu tiên khi tôi đi thực tập tại Bệnh viện Ba Lan (TP Vinh - Nghệ An) đó là lần làm bà đỡ cho nghệ sỹ Song Thao (nghệ sỹ Song Thao của đoàn dân ca Nghệ An lúc bấy giờ), vì nghệ sỹ Song Thao đã từng đi biểu diễn tại Tiểu đoàn D27 quân khu 4 năm xưa tôi đóng quân. Hôm đó rầy rà lắm, phiền phức lắm vì nghệ sỹ Song Thao ngại vì tôi là đàn ông, nhưng cuối cùng ca đỡ ấy cũng thành công”.

Nói tới đây ông Thiện cười tủm tỉm. Học xong 2 năm, thấy điều kiện y tế xã nhà (Nghĩa Bình) còn nhiều khó khăn thiếu thốn, năm 1980 ông xung phong về trạm y tế xã nhà làm công tác. Khó khăn là vậy nhưng với chữ tâm của người thầy thuốc ông luôn hoàn thành trách nhiệm và chưa để xảy ra một sai sót nào trong mấy chục năm công tác. Trong thời gian 13 năm làm nghề ông đã là “bà đỡ” cho hơn 400 em bé của huyện Tân kỳ, giờ đây nhiều người trong số đó đã thành đạt là tiến sĩ, giám đốc, cán bộ … ở khắp mọi miền Tổ quốc, hàng năm họ vẫn về thăm ông như thăm một người thân thiết ruột thịt. Với ông mỗi lần giúp đỡ một người mẹ vượt cạn thành công để đón chào một công dân tí hon chào đời là một niềm vui, niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.  

Thèm làm thơ hơn thèm cơm với thịt

 Không chỉ giỏi việc quân ngũ việc chuyên môn mà trong con người ông Thiện đã có năng khiếu làm thơ. Cuộc  đời của ông gắn liền với những trang giấy, cây bút để làm thơ là từ lúc còn ngồi trên ghế học sinh, và đã thật sự nở rộ khi ông vào chiến trường thì tình yêu về thơ mới thực sự ăn vào máu xương của ông. Ông kể: Thời đang là chiến sỹ lái canô có lẽ là khoảng thời gian tâm hồn thơ của ông mãnh liệt nhất cứ hễ có thời gian rỗi là ông lại lấy sách bút ra cặm cụi viết, ghi chép. Trong khoảng thời gian đi lính (1965-1975) ông đã viết tập “Nhật ký thơ” với gần 100 bài, với nội dung ca ngợi Đảng, các đồng đội và cả tình yêu thiên nhiên xen lẫn cả những bài thơ tình đã được đồng đội truyền tai nhau học thuộc.

 

Mỹ oanh kích bến phà ác liệt/ Giữa thời khắc tôi nhận ra cái chết/ Khi Đảng cần không một phút nghĩ suy/ …Giữa tiền tuyến/ Có máu tim ta! (Trích: Nhật ký thơ Lại Đăng Thiện). Hay như bài “Góc ruộng đường cày”, ông viết:  Chiếc cày anh trao em / Mòn tay anh mưa nắng / …Xới lật cánh đồng hoang…   (Viết về phong trào ba đảm đang” tháng 10-1967).

Không chỉ trong chiến tranh mà lúc trở về đời thường ông vẫn dành nhiều thời gian cho thơ văn. Những vất vả trong công việc, cuộc sống những nỗi niềm muốn chia sẻ với đồng đội đã hi sinh đã được ông làm thành những vần thơ: “Núi giấu mình trong đá/ Triệu năm / Suối chảy nghiêng về biển/…Anh giấu anh nơi đâu..? Đơn côi/ Thao thức rừng chiều…( “Thao Thức” kính tặng hương hồn liệt sỹ Trường Sơn. Đăng trên Tạp chí Sông Lam năm 2008). Hay cũng có lúc là những vần thơ nói về cuộc sống vất vả cực nhọc của người nông dân: “Vôi tôi, vôi cục, vôi rời…/ Ai vôi?/ Tiếng rao bỏng rát tay người/ Bồi hồi rạo rực chào mời bán vôi. (“Tiếng Rao” Đăng trên Tạp chí Người làm báo Nghệ An năm 2009.

Ông đã làm tới hàng nghìn bài thơ đăng trên nhiều tờ báo khác nhau nhưng vui nhất với ông có lẽ là 20-5-2011 vừa qua ông đã in tập thơ Cung Trầm. Và trong tháng 5 này ông sẽ ra mắt một tập thơ thứ hai mang tên “Thì thầm với lời quê”. Và những yêu thơ, yêu tâm hồn nồng nhiệt của một người chiến sĩ quả cảm, một người công dân có trách nhiệm với xóm làng vẫn đang chờ tập thơ tiếp theo của ông.