Gạo Việt vào EU vẫn khiêm tốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng tỷ trọng gạo Việt vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn khiêm tốn dù thị trường này có ưu đãi lớn về thuế quan.
Doanh nghiệp chưa khai thác hết cơ hội xuất khẩu gạo sang EU

Doanh nghiệp chưa khai thác hết cơ hội xuất khẩu gạo sang EU

Ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và châu Âu là thị trường tiềm năng. Mỗi năm EU phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn gạo.

“Tuy nhiên, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn rất nhỏ, trong khi Việt Nam đứng “top” đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới. Hiệp định EVFTA mới được ký với 2 quốc gia ở Đông Nam Á là Việt Nam và Singapore, trong khi đó Singapore lại không có gạo để xuất khẩu. Như vậy, chúng ta vẫn chưa tận dụng được hết hiệu quả của Hiệp định EVFTA”- ông Phạm Thái Bình nói.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, gạo Việt Nam chưa gây dựng được chỗ đứng tại châu Âu là do các doanh nghiệp chưa liên kết, còn manh mún trong hoạt động. Nếu chỉ mình Trung An xây dựng thương hiệu gạo tại thị trường này thì sẽ chưa đủ để gây ấn tượng.

Do đó, ông Phạm Thái Bình cho rằng, cần có một chương trình hợp tác và các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp sức tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường EU, ví dụ như truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn châu Âu trên nền loại gạo ngon nhất của Việt Nam vẫn còn được công nhận, để hạn chế những vụ việc như hàng hoá bị trả về do vi phạm các tiêu chuẩn ở thị trường này.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Chung Khanh- Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, theo cam kết của EVFTA, Việt Nam có thể xuất khẩu 30.000 tấn gạo thơm và EU với thuế suất ưu đãi.

“Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đề nghị có thêm dư địa lớn cho gạo Việt Nam, nhưng họ nói 30.000 tấn còn chưa dùng hết thì đòi thêm làm gì? Bao giờ tận dụng hết mới tính. Đó cũng là một thách thức”- ông Ngô Chung Khanh cho hay.

Theo ông Ngô Chung Khanh, để tận dụng hết ưu thế của EVFTA đối với gạo xuất khẩu, rất cần xây dựng thương hiệu gạo. Hiện thương hiệu gạo của Việt Nam tại EU còn rất yếu. Hơn nữa, doanh nghiệp có kết hợp với nhau để xuất khẩu cho đủ hạn ngạch 30.000 tấn gạo.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, đến nay vừa tròn 2 năm. Với nhiều ưu đãi về thuế quan, hàng hóa Việt Nam xuất sang EU tăng trưởng khá mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Hiệp định này có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, vì EU là đối tác lớn và chúng ta đã có quá trình lâu năm. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam trong đó có các sản phẩm như: thủy sản, lúa gạo.

Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng và cả các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn.

Đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%; nhóm cà phê tăng 75,2%; hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.

Còn với các nhóm hàng truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như: dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện.

“Tuy nhiên, về tổng thể chúng ta thấy rằng, tác động của Hiệp định là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”- ông Trần Thanh Hải cho hay.

Thận trọng khi đánh giá về hiệu quả của EVFTA, ông Ngô Chung Khanh – Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, nói doanh nghiệp Việt tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA thì cũng chưa hẳn nhưng không tốt thì cũng không đúng.

“Với những thành tích xuất khẩu vừa qua thì chúng ta tận dụng tương đối tốt, doanh nghiệp cũng biết thay đổi tư duy, định hướng thị trường, định hướng mặt hàng, thế nhưng nhìn vào thị phần thì xem dư địa của chúng ta tại thị trường EU đến đâu.

Thị phần rau quả chưa đến 4%, thủy sản đến 8%. Còn xuất khẩu gạo vào EU rất thấp, vì chúng ta mới có EVFTA, trước đây chúng ta không cạnh tranh được với gạo các nước từ Campuchia. Qua đó thấy, các ngành hàng tỷ trọng dưới 6-7% thì dư địa này còn rất lớn”- ông Ngô Chung Khanh nêu quan điểm.

Cũng theo đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, nếu xét tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang EU của tỉnh trong “top 10” địa phương xuất khẩu nhiều nhất thì kết quả đạt được cũng chỉ 15-20%. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả thì chưa tập trung khai thác được.

Để tăng cường xuất khẩu sang EU, khai thác tốt cơ hội từ EVFTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cần thay đổi về tư duy, văn hóa doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan, bộ ngành, địa phương, trong đó địa phương cũng cần tích cực hơn nữa hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu; Vấn đề quy tắc xuất xứ, liên quan đến nguồn nguyên liệu, chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển… cần được tính toán, xem xét lại.