Gạo Việt vẫn "vô danh" dù xuất khẩu thứ ba thế giới

ANTĐ - 26 năm tham gia xuất khẩu gạo, hiện Việt Nam đứng thứ ba thế giới về số lượng xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Trong khi các nước đều có thương hiệu gạo riêng thì Việt Nam vẫn loay hoay với xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp, giá rẻ.
Gạo Việt vẫn "vô danh" dù xuất khẩu thứ ba thế giới ảnh 1

Gạo Việt Nam chưa có tên trên thị trường thế giới

26 năm vẫn chưa có tên tuổi

Thái Lan nổi tiếng với thương hiệu gạo thơm Jasmine, Hom Mali, Ấn Độ có gạo Basmati, Campuchia gắn với thương hiệu gạo thơm Romduol, còn nhắc đến gạo Myanmar là nhắc đến gạo thơm Paw San… Dù năm 2015, Campuchia chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo, nhưng chiếm đến 40% là gạo chất lượng cao. Trong khi đó, Việt Nam đã có thâm niên 26 năm tham gia xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới, nhưng đa phần là gạo phẩm cấp thấp, do đó, khi nhắc đến gạo Việt Nam không có loại gạo nào để lại được ấn tượng với người tiêu dùng thế giới.

Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, trong đó tới 90% là từ vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu năm 2006, cả nước chỉ xuất khoảng 4,7 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, đến năm 2014, xuất khẩu gạo khoảng 6,5 triệu tấn, giá trị 2,85 tỷ USD. Số lượng gạo xuất khẩu hàng năm lớn, nhưng theo các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh từ những đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Lý do lớn nhất là gạo Việt bị lép vế trên thị trường, chưa có thương hiệu. Thực tế, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là không đồng đều về chất lượng.

So sánh với các nước như Thái Lan, Ấn Độ về xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm 2015, chỉ có gạo Việt Nam bị giảm về giá trị. “Năm 2014, gạo thơm của Campuchia và Thái Lan đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 6 diễn ra tại Campuchia. Gạo thơm Romduol của Campuchia và gạo lứt đỏ Thái Lan đã đoạt giải gạo ngon nhất, chủ yếu dựa trên tiêu chí hương vị và hình dáng hạt gạo”, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp cho hay.

Muộn còn hơn không

Nhiều năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đều hướng tới thị trường gạo bình dân, giá rẻ, nhưng khi thị trường lương thực thế giới dần trở nên dồi dào thì gạo chất lượng cao lại tìm được chỗ đứng. Tuy vậy, gạo chất lượng cao của Việt Nam xuất ra thị trường thế giới chỉ chiếm 10%. GS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu các loại gạo thơm cao cấp nhưng với phân khúc này thì gạo Việt Nam đang bước qua khe cửa rất hẹp vì tính cạnh tranh rất cao.

Việt Nam hiện xuất khẩu gạo tới 135 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chiếm tới 77% là tới các nước châu Á, đây là thị trường chủ yếu tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp, trung bình có giá rẻ. Ngay trong thị trường nội địa, thương hiệu gạo Việt Nam cũng rất mập mờ. Người dân trong nước vẫn khó tìm thấy thương hiệu chủ chốt của gạo Việt khi trải khắp các chợ đều là tên gạo nước ngoài như gạo Thái, Đài Loan... Thậm chí, thương lái kinh doanh gạo còn pha trộn để thu lời, làm cho chất lượng gạo giảm sút. 

Trước sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ mới nổi như Campuchia, Lào… Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đề án sẽ được triển khai trên cả nước, tập trung ưu tiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án sẽ cụ thể hóa các dự án ưu tiên nhằm phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ở 3 cấp độ: Quốc gia, vùng/địa phương và doanh nghiệp/sản phẩm. Theo đề án, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, ATTP.

Khi đó, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản. Trong ngắn hạn, sẽ tập trung ưu tiên xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên các giống lúa có lợi thế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2020, đảm bảo đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cũng như các sản phẩm nông sản khác, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là cần thiết dù hơi muộn.