Gánh nặng “xã hội hóa”

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ GTVT trong bài trả lời phỏng vấn báo chí mới đây cho biết, phải “thu phí cao thì mới nhanh hoàn vốn”! Có hoàn vốn nhanh thì các nhà đầu tư mới tham gia vào các dự án. Khi giao thông được cải thiện, chính người dân là người được hưởng lợi. Điều này rất logic và hợp lý. 

Trên thực tế, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT và thu phí giao thông đối với nhiều dự án giao thông đã đem lại nguồn vốn không nhỏ cho các dự án này. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, không nên vin vào lý do trên để tăng thu, đặt thêm gánh nặng lên vai người dân. Nhiều nước trên thế giới cũng có quy định người dân phải đóng các khoản thuế và phí giao thông. Nhưng họ phân biệt rõ ràng các khoản thuế và phí; mục tiêu để phát triển hệ thống giao thông công cộng hay phương tiện cá nhân để có mức thu hợp lý.

Tại Việt Nam, ở rất nhiều lĩnh vực, các ngành thực hiện nhiều biện pháp để “xã hội hóa” nguồn vốn đầu tư. Hình thức này về cơ bản là đúng đắn, bởi người dân muốn sử dụng dịch vụ thì họ phải bỏ tiền, nhà nước không thể làm thay toàn bộ bằng việc trích ngân sách. Nhưng tuyệt đối không nên “lạm thu” để tăng gánh nặng cho người dân. Mặt khác, các hình thức “xã hội hóa” thường được thực hiện dưới hình thức bắt buộc, người dân không có lựa chọn. 

Hiện nay, mỗi người dân phải đóng rất nhiều loại thuế, phí. Nếu gánh thêm những khoản phí này và không được phân loại một cách hợp lý, gánh nặng người dân sẽ không chịu nổi. Chủ trương “khoan thư sức dân”  dường như đang bị xem nhẹ. Phí và thuế khác nhau ở chỗ, với thuế, người dân có nghĩa vụ phải nộp. Còn phí, người dân được hưởng dịch vụ ra sao sẽ trả mức tiền tương ứng, không thể áp đặt. Lo lắng “đóng góp” hiển hiện ngày càng rõ trên gương mặt của mỗi người dân bởi nếu ngành giao thông được duyệt các khoản phí sắp tới, nhiều ngành khác cũng sẽ theo bước để kêu gọi “xã hội hóa” đầu tư. Không có lựa chọn khác, người dân sẽ tiết giảm các chi tiêu sinh hoạt và đời sống không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng đi xuống.