Các chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, phá sản

Gánh nặng ghê gớm dồn lên vai chính quyền

ANTĐ - Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5-2014, cả khu vực quận 12 xôn xao vì vụ chủ doanh nghiệp bỏ trốn, để lại 400 công nhân vừa bị quỵt lương vừa bị giam sổ Bảo hiểm xã hội. Đó là Công ty TNHH PIA Toàn Cầu. Đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Chủ doanh nghiệp là ông Lee Sang Soo, người Hàn Quốc. 

Công nhân nhận lại số lương bị nợ

Chủ doanh nghiệp trốn trong đêm

Sau khi nợ lương công nhân nhiều tháng, tổng số nợ lương lên đến 2,4 tỷ đồng, công ty tạm ngừng việc do hết đơn hàng, chủ doanh nghiệp đã làm văn bản thỏa thuận với công nhân sẽ trả dứt điểm toàn bộ tiền lương vào ngày 10-4. Cay đắng, đêm ngày 8-4, chủ doanh nghiệp lẳng lặng ra máy bay  về nước, để lại 400 công nhân ngơ ngác đợi lương. Đến lúc đó, công nhân mới biết toàn bộ nhà xưởng đã được thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Không những vậy, khi làm việc với cơ quan chức năng, công nhân mới được biết,  khi bỏ trốn, ông Lee Sang Soo đang là “con nợ” với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng; trong đó nợ lương công nhân hơn 2,4 tỉ đồng, tiền thuê xưởng 4 tháng, tiền thuê máy móc là 1 tỉ đồng, nợ BHXH khoảng 2,8 tỉ đồng… Vì những lý do đó các cơ quan chức năng đã tạm thu toàn bộ sổ BHXH của công nhân để xem xét. 

Không tiền lương, không có sổ bảo hiểm, gần 400 công nhân rơi vào tình thế nguy hiểm, đi làm nơi khác thì vừa sợ mất số lương mỗi người mấy triệu đồng vừa không có sổ bảo hiểm. Chị Nguyễn Thị Mai, ôm cái bụng lặc lè đến 7 tháng than thở: Em đi làm mấy năm, đóng bảo hiểm đầy đủ chỉ mong đến ngày sinh cháu được hưởng chế độ thai sản. Bây giờ tình thế này, mẹ con em biết sống làm sao. Chồng em cũng làm công ty, hai vợ chồng vừa mất việc, vừa bị nợ lương, lại sắp sinh con… Không có nỗi khổ nào hơn. Anh Bạch, chồng chị Mai bây giờ đi làm tạm một công ty bên huyện Hóc Môn, lương vừa thấp vừa xa nhà, một suất lương cho hai người rưỡi, rau cháo cũng không đủ. Chị Mai đi xin việc nhiều nơi nhưng nhìn cái bụng của chị, chẳng có doanh nghiệp nào nhận. 

Gánh nợ thay

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - người sở hữu mặt bằng và nhà xưởng tại địa chỉ số 7, đường Tân Thới Nhất, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP. HCM, là người đã cho ông Lee Sang Soo người Hàn Quốc thuê mặt bằng để mở Công ty TNHH MTV PIA Toàn Cầu, với chức năng chuyên sản xuất, gia công may mặc, đã đến gặp các cơ quan chức năng. Chính ông Nghĩa cũng đã phải mất trắng 4 tháng tiền cho thuê nhà xưởng, với hơn 1 tỉ đồng, khi ông Lee Sang Soo bỏ trốn. 

Sau khi cùng cơ quan chức năng hợp tác bàn bạc, tìm phương án vừa giải quyết được quyền lợi của công nhân vừa khôi phục sản xuất, đưa cơ sở vào hoạt động, ông Nghĩa đã bỏ tiền túi khoảng 2,4 tỉ đồng để trả hết phần tiền lương mà Công ty PIA Toàn Cầu nợ công nhân, cơ quan chức năng tháo niêm phong nhà xưởng để ông tiếp tục kinh doanh. Thực hiện thỏa thuận, vào những ngày cận lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, ông Nghĩa đã chi trả được 1/3 số tiền lương cho công nhân. Chiều 5-5, ông Nghĩa đã giải quyết hết số lương nợ còn lại cho gần 400 công nhân, với tổng số tiền cả 2 đợt là khoảng 2,4 tỉ đồng.

Để tạo việc làm cho số công nhân mất việc do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ông Nghĩa cũng đã liên hệ với nhiều đối tác mới để giải quyết việc làm cho tất cả công nhân của công ty PIA Toàn Cầu. May mắn, do có vị trí thuận lợi, nhiều doanh nghiệp muốn thuê mặt bằng của ông Nghĩa để mở rộng sản xuất. Điều kiện thuê lại cơ sở này, theo sự thống nhất với các cơ quan chức năng là nhận lại tất cả số công nhân mất việc của công ty PIA Toàn Cầu trước đây. Cuối cùng, Công ty TNHH MTV SUMIT đã chấp nhận thuê lại cơ sở này với những điều kiện:  SUMIT sẽ thuê lại toàn bộ nhà xưởng và nhận tất cả công nhân của công ty PIA Toàn Cầu vào làm việc. Công ty SUMIT cũng sẽ tính thâm niên, tay nghề cho toàn bộ công nhân dựa trên thời gian làm việc cho công ty PIA Toàn Cầu. Từ ngày 10 -18-5, công ty SUMIT sẽ tiến hành sửa chữa nhà xưởng, ký lại HĐLĐ với công nhân. Ngày 19-5 sẽ bắt đầu làm việc và đến ngày 10-6, công ty sẽ trả lương và hỗ trợ thêm cho mỗi công nhân 500 nghìn đồng.

Nhức nhối tình trạng các chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn

Trong một báo cáo mới đây của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. HCM, chỉ trong năm 2013, do kinh tế khó khăn đã khiến hơn 600.000 lao động thất nghiệp, mất việc làm do doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động… Đặc biệt, số liệu thống kê bước đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ tính riêng các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) bỏ trốn trên cả nước đã lên tới con số 500 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 903 triệu USD, tính đến thời điểm tháng 9-2013. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI thường có quy mô, sử dụng hàng nghìn thậm chí hàng vạn lao động, quy mô sử dụng đất khá lớn do vậy nếu mất tích thì hệ lụy từ các doanh nghiệp này để lại còn nghiêm trọng hơn nhiều lần. Chỉ trong quý 1-2014, hàng loạt các chủ doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn còn nợ người lao động hàng tỷ đồng tiền lương đã để lại gánh nặng ghê gớm lên vai chính quyền TP. HCM. Công ty TNHH Sae Hwa Vina (Hàn Quốc) nợ 650 công nhân tổng số tiền lương là 3 tỷ đồng; Công ty TNHH may mặc Long Đại Phát nợ 48 công nhân 250 triệu đồng; Công ty TNHH Il Shin Womo (Hàn Quốc) nợ 114 người với 2,5 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Nông thủy sản xuất khẩu Tùng Bách nợ 34 lao động với tổng tiền lương 132 triệu đồng và Công ty Kyung Sung Vina cũng của Hàn Quốc nợ 146 công nhân số tiền 730 triệu đồng.  UBND thành phố đã tạm ứng từ ngân sách 146 triệu đồng để hỗ trợ thanh toán lương cho công nhân của Công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn) theo chỉ đạo của Chính phủ. Được biết, hầu hết các doanh nghiệp trên đều nợ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ bảo hiểm của người lao động. 

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh mà không tiến hành thủ tục giải thể, như ý thức chấp hành pháp luật của chủ doanh nghiệp, trốn tránh nghĩa vụ tài chính, thiếu chế tài xử lý đối với hành vi này, nhưng nguyên nhân chính của tình hình nêu trên là do các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không trả được lương cho người lao động, không trả được nợ... nên phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Mặt khác do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý và giải thể doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư đã bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục này. Để ngăn chặn tình trạng này cần bổ sung cơ chế, quy chế, quy định. Ví dụ như điều kiện thành lập doanh nghiệp, điều kiện phê duyệt về nhân sự. Nếu chúng ta kiểm tra thường xuyên, phát hiện ra sai phạm và có những chế tài với từng nhân sự một thì đã khác và khả năng chạy trốn là ít. Bên cạnh đó cần xác minh các yếu tố ở bên ngoài để bớt rủi ro, khi xảy ra chuyện chạy trốn thì có thể truy cứu được. 

Rõ ràng, luật của chúng ta trong lĩnh vực này còn chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải đối mặt với cả đống nợ chồng chất, họ bỏ chạy, chúng ta cũng lúng túng. Việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn sẽ để lại những hậu quả lớn, làm cho quyền lợi của người liên quan như công nhân, ngành thuế... bị ảnh hưởng nặng nề, gây ra gánh nặng đột ngột cho bộ phận an sinh xã hội, từ bảo hiểm thất nghiệp cho đến các chế độ khác, làm biến động môi trường đầu tư của Việt Nam. 

Trước tình hình đó, UBND TP. HCM mới đây đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành quy định tiêu chí xác định “doanh nghiệp có chủ bỏ trốn” để làm cơ sở thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương hỗ trợ khoản nợ lương cho người lao động; hướng dẫn việc hỗ trợ người lao động có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp bị nợ lương tại các doanh nghiệp này. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn quy trình xử lý nhanh tài sản của các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn mà không phụ thuộc vào quy trình xử lý theo Luật phá sản nhằm tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng làm giảm giá trị tài sản và để sớm thu hồi tạm ứng cho ngân sách địa phương.