Gánh mâm góp cỗ và mừng tuổi dịp đầu xuân năm mới

ANTĐ - Từ bao đời nay, người dân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vẫn duy trì truyền thống gánh cỗ đi góp cỗ cúng Tết. Mâm cỗ cúng ngày Tết ở đây không thể thiếu các món truyền thống như bánh chưng, bánh tét, bánh ong và các loại rau củ quả được chế biến khá cầu kỳ. Góp cỗ là cách để người dân nơi đây bày tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và người thân đã khuất.

Tục gánh mâm góp cỗ

Tục gánh mâm đi góp cỗ được người dân nơi đây gìn giữ suốt nhiều đời nay. Nói về ý nghĩa của việc gánh cỗ, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Đó là cách để con cháu tưởng nhớ đến ông bà đã mất. Trên mâm cỗ không thể thiếu những món ăn thường ngày như rau củ, hay bánh được làm từ bột nếp là những món ăn truyền thống của người dân ở đây”.

Mâm cỗ ngày tết được hoàn thiện bởi đôi tay của người phụ nữ nội trợ trong gia đình. Vì lẽ đó, người dân ở đây, việc sắm tết được chuẩn bị và hoàn thành từ ngày 29 Tết âm lịch. Đến ngày 30 Tết, hầu hết con cháu đều dành thời gian để chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên. 

Gánh mâm góp cỗ và mừng tuổi dịp đầu xuân năm mới ảnh 1

Góp cỗ là một trong những truyền thống khá lâu đời của người dân Yên Thành (Nghệ An)

Với những gia đình đông con, việc nấu cỗ sẽ được chia đều, mỗi người chịu trách nhiệm một bữa. Vì thế, cứ vào khoảng 10h sáng hay 16h ngày cuối năm, ở những con đường nhỏ không thiếu cảnh phụ nữ trung niên có, trẻ có, thậm chí là thanh niên trai tráng hò nhau gánh mâm đi góp cỗ cúng. Tiếng nói, tiếng cười râm ran khắp con đường nhỏ.

Sau khi hoàn thành việc thắp hương cúng bái những mâm cỗ này được sử dụng tại chỗ để mọi người có cơ hội hàn huyên. Sau khi mời anh em, người thân, những thứ còn lại sẽ được gia chủ gánh về lại gia đình mình.

Anh Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Đi làm ăn xa, mỗi dịp Tết về chỉ mong đến lúc mang cỗ đi góp cúng, để anh em lại được ngồi lại với nhau rất vui vẻ và đoàn kết”.

Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, tục gánh mâm góp cỗ này còn mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu về trách nhiệm với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm mới toàn điều may mắn, công việc thuận lợi. Việc cúng tết được kéo dài đến hết ngày mồng 2 Tết.

Mừng tuổi đầu năm mới

Song hành với tục cúng ông bà, tổ tiên, người dân ở đây còn duy trì tục mừng tuổi đầu năm mới. Mừng tuổi với người dân ở đây không chỉ là những em nhỏ mà với họ mừng tuổi những cụ ông, cụ bà mới là điều quan trọng nhất. Sau khi hoàn tất việc cúng mâm đón ông bà, tổ tiên vào chiều ngày 30 Tết, người dân ở đây lại cử những đại diện gia đình đến những nhà có ông, bà gia để mừng tuổi.

Gánh mâm góp cỗ và mừng tuổi dịp đầu xuân năm mới ảnh 2

Bàn thờ được trang trí tỉ mỉ để đón năm mới \

Những câu chào hỏi, chúc tết là “món quà” mà những người đi mừng tuổi mang theo. Ngoài ra, những hộp bánh, mứt cũng được sử dụng để chúc các cụ ông, cụ bà “bách niên giai lão”, bình an, hạnh phúc bên con cháu trong năm mới. 

Anh Nguyễn Văn Sửu cho biết: "Nhiều năm nay, năm nào tôi cũng đi chúc Tết các cụ ông, cụ bà trong làng. Nhà nào thân thiết thì mang hộp bánh, chai rượu đến làm quà, nhiều lúc không cần quà cáp gì chỉ cần chút lòng thành của mình là được".

Giờ đây, với nhiều người, quà “mừng tuổi” sẽ được đựng trong những phong bao lì xì, nhưng với người dân ở đây thì những món quà đó mới tình cảm. Một mùa xuân nữa lại về, người nơi đây lại một lần nữa gánh cỗ, thêm một lần được mừng tuổi những bậc cao niên trong làng. Tết đến, xuân về những câu chào hỏi, những cái bắt tay những câu chúc lại đong đầy tình người ấm áp.