Gắn trách nhiệm của chính quyền sở tại với phòng chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước mối lo dịch chồng dịch, Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh đường hô hấp. Hà Nội và các địa phương cũng đang tổ chức các chiến dịch cao điểm phòng chống dịch bệnh…

Đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời xử lý ổ dịch

Ngày 28-7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký văn bản số 2427/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Đáng chú ý, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy)…

Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Nói về công tác phòng chống dịch ở cơ sở, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, việc phân cấp, gắn trách nhiệm của chính quyền sở tại với công tác phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng. Ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh, để công tác phòng chống dịch SXH đạt hiệu quả cao, cần huy động sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đoàn thể cùng tham gia triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, bảo đảm tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch, có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Cùng đó, cơ quan chức năng ở địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh cho hộ gia đình, cộng đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, một giải pháp quan trọng nữa trong phòng chống dịch là phải đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch. Với dịch SXH, Sở Y tế sẽ chủ động theo dõi, đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng chống dịch SXH; đẩy mạnh kiểm tra để kịp thời xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị rà soát cơ số vật tư, hóa chất phòng chống dịch, hoạt động của đội cơ động các tuyến để kịp thời bổ sung, kiện toàn lực lượng y tế, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch…

Trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh đường hô hấp. Theo đó, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó chú trọng đến cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác; triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.

Đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, sàng lọc bệnh. Đảm bảo công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Các địa phương phải chịu trách nhiệm về tiến độ tiêm vaccine

Riêng với dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết, các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước. Vì thế, đề nghị các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ…

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương có tiến độ tiêm chủng vaccine cho các nhóm đối tượng còn chậm, vaccine được phân bổ nhưng chưa sử dụng còn nhiều. Trước thực trạng trên, Bộ Y tế vừa tiếp tục có thêm Công văn số 4018/BYT-DP gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vaccine được phân bổ.

Bộ Y tế cũng lưu ý, các địa phương chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vaccine quá hạn phải hủy bỏ trong khi vẫn còn đối tượng có chỉ định nhưng chưa được tiêm chủng hoặc không nhận vaccine để xảy ra dịch trên địa bàn.