Gần Tết, coi chừng dính "độc chiêu"… dấu hoa thị

ANTĐ - Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cận kề, các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng liên tiếp tung nhiều chiêu quảng cáo mới để thêm phần lôi kéo khách hàng. Trong “ma trận” thông tin dày đặc đó, có không ít người tiêu dùng dù tỉnh táo song vẫn khó thoát khỏi “độc chiêu” mang tên… dấu hoa thị (*).

Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cận kề, các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng liên tiếp tung nhiều chiêu quảng cáo mới để thêm phần lôi kéo khách hàng. Trong “ma trận” thông tin dày đặc đó, có không ít người tiêu dùng dù tỉnh táo song vẫn khó thoát khỏi một “độc chiêu” mang tên… dấu hoa thị (*).
Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cận kề, các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng liên tiếp tung nhiều chiêu quảng cáo mới để thêm phần lôi kéo khách hàng. Trong “ma trận” thông tin dày đặc đó, có không ít người tiêu dùng dù tỉnh táo song vẫn khó thoát khỏi một “độc chiêu” mang tên… dấu hoa thị (*).

Quảng cáo hoành tráng, nhưng lại “đính chính” bằng *

Trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, bộ phận truyền thông (quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng…) đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin về sản phẩm/dịch vụ ra thị trường, từ đây tạo hiệu ứng nhận biết để người tiêu dùng quan tâm.

Với tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không ít doanh nghiệp sử dụng hàng loạt “chiêu” quảng cáo, tiếp thị thông tin khác nhau, trong đó “nói quá” là phương pháp được dùng rất phổ biến.

Trước một "rừng" thông tin, không dễ để người tiêu dùng tỉnh táo chọn lựa

“Người tiêu dùng nói chung có tâm lý ‘quảng cáo là nói láo’. Nhưng thực tế, khi họ phải nghe, phải đọc rất nhiều lần về một nội dung thông tin được truyền tải hấp dẫn, qua hình thức nhãn dán, phim ngắn, ca hát… thì dần dà, trong ý thức của mình, tự họ sẽ cảm thấy tin theo, mặc dù miệng có thể vẫn khẳng định ‘không tin quảng cáo’. Những người làm truyền thông nắm được yếu tố này để liên tục gửi đi thông tin quảng cáo sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng”, anh Nguyễn Quốc Dân – chuyên gia về truyền thông – chia sẻ.

Do vậy, không khó để tìm thấy những cụm từ quảng cáo nghe rất kêu và dễ khiến người tiêu dùng “xiêu lòng”, như một loại bột giặt cho máy giặt khẳng định “xoáy bay vết bẩn ngay trong lồng giặt”, hay một loại nước rửa tay cam kết “tẩy sạch tới 99,9% vi khuẩn trong 10 giây”, hoặc có loại bánh in hình những chiếc bánh vô cùng hấp dẫn, với cả vừng và lạc đặc kín bề mặt, kèm quảng cáo về những tác dụng bổ dưỡng của vừng, lạc…

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ một chút, người tiêu dùng có thể nhận thấy bên cạnh những dòng chữ quảng cáo ở nhãn sản phẩm, hoặc trên quảng cáo truyền hình, đều xuất hiện dấu hoa thị (*). Đây là một chỉ dấu để báo hiệu rằng nội dung thông tin này được nói rõ hơn ở phía dưới. Nếu chịu khó tìm phần nói rõ này, nhiều người sẽ giật mình khi thấy nhà sản xuất thòng những câu rất an toàn bên cạnh các thông tin nói quá phía trên.

Chẳng hạn như loại bột giặt có sức mạnh “xoáy bay vết bẩn ngay trong lồng giặt” thì được ghi chú là “đối với những vết bẩn trong điều kiện thử nghiệm”, hay loại nước rửa tay “tẩy sạch tới 99,9% vi khuẩn trong 10 giây” được nói rõ là chỉ áp dụng đối với 2 loại vi khuẩn mà thôi, và trong điều kiện phòng thí nghiệm! Còn loại bánh hấp dẫn với hình ảnh bắt mắt và những công dụng tuyệt vời, thì được chú thích phía dưới là “hình ảnh chỉ có tính chất minh họa”, trong khi tỷ lệ % của vừng và lạc ở mức thấp “có cũng như không”.

"Sản phẩm hoàn hảo, nhưng... trong điều kiện thử nghiệm!"

Chưa kể, những dòng thông tin nói rõ thường rất khó tìm, vì nhà sản xuất cố tình in chữ ở kích cỡ thật nhỏ, đặt ở vị trí không bắt mắt, hay thậm chí còn để màu chữ gần trùng với màu nền nên người tiêu dùng càng “vất vả” nếu muốn tìm ra phần thông tin “sự thật” này.

Không dễ để trở thành người tiêu dùng thông minh

Khi thực hiện phỏng vấn nhanh người tiêu dùng mua những sản phẩm có nhãn hàng hay thông tin quảng cáo kiểu “đính chính bằng *” như đã đề cập ở trên, PV nhận thấy hầu như không có ai để ý thông tin nói rõ cả.

Chị Bùi Thị Hoa (Bạch Mai, Hà Nội) tỏ ra bất ngờ: “Hỏi tôi là có tin lời quảng cáo hay không thì tôi nói là không. Nhưng đúng là khi mua hàng, những thông tin ưu việt về sản phẩm được nhắc đi nhắc lại là một yếu tố khiến tôi lựa chọn sản phẩm đó. Còn dấu hoa thị nói rõ thì tôi chẳng để ý bao giờ cả”.

Trong khi đó, chị Mai Anh (Phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội) lắc đầu: “Nhìn mãi mới ra dòng chữ bé tí teo nói rõ thông tin thế này thì bình thường, làm sao mình để ý nổi”.
Gần Tết, coi chừng dính "độc chiêu"… dấu hoa thị ảnh 3Đọc thông tin thật kỹ, và có thể tham khảo thêm ý kiến của người có kinh nghiệm là những bí quyết để chọn lựa sản phẩm phù hợp cho bản thân và gia đình

Chuyên gia Nguyễn Quốc Dân phân tích: “Với các quy định ngày càng rõ ràng và chặt chẽ hơn của luật pháp, những người làm quảng cáo không thể ngang nhiên lạm dụng việc nói quá trong thông tin quảng bá sản phẩm/dịch vụ của mình. Do vậy, họ buộc phải tìm cách ‘dĩ hòa vi quý’ là dùng dấu hoa thị để nói rõ hơn. Hiện nay, có 2 ‘tuyệt chiêu’ nói quá trong quảng cáo đang được sử dụng nhiều, là tập trung vào thành phần của sản phẩm – dù tỷ lệ nhỏ ở mức có cũng như không - để tâng bốc tác dụng, và nói quá khả năng sản phẩm nhưng thòng vào yếu tố ‘chỉ đúng trong điều kiện thử nghiệm’ mà thôi, trong khi ai biết cái ‘điều kiện thử nghiệm’ đó là gì”.

“Do vậy, mới sinh ra chuyện có loại mỳ tôm chỉ có vài % khoai tây, còn lại thực chất cũng toàn là bột mỳ nhưng lại quảng cáo là nhờ khoai tây nên ‘mát’, an toàn hơn các loại mỳ khác. Hay các kiểu nói quá như trên quảng cáo truyền hình, cho một chút nước rửa chén ra là rửa sạch cả núi bát đũa, rồi quấn vết bẩn lại, cho vào máy giặt mà giặt sạch trắng tinh… Rõ ràng, xét về lý thì họ không sai, vì dù chỉ là 1% thì vẫn… có khoai tây, hay là quảng cáo truyền hình thì họ vẫn cho dấu hoa thị vào và chạy dòng chữ nhỏ xíu, rất nhanh bên dưới là ‘trong điều kiện thử nghiệm’. Còn thực tế thế nào thì lại là chuyện khác!”, chuyên gia Dân bổ sung.

Trước tình hình đó, lời khuyên được giới chuyên gia đưa ra cho người tiêu dùng để có thể “thông minh” hơn là, đừng quá tập trung vào những câu slogan (khẩu hiệu), điệp khúc quảng cáo tâng bốc lặp đi lặp lại, thay vào đó, cần đọc thật kỹ nội dung nhãn sản phẩm, xem thông tin nói rõ thể hiện ở phần dấu hoa thị phía dưới (dù có thể khó nhìn), quan tâm tới thành phần các chất tạo nên sản phẩm…

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần đánh giá chất lượng của một sản phẩm/dịch vụ thông qua cảm quan bản thân, xem nó có phù hợp với gia đình mình hay không, thay vì tin tưởng mù quáng vào những thông tin quảng cáo nên “chưa dùng đã thấy tốt”.

Người tiêu dùng chỉ thực sự "thông minh" khi không để các thông tin quảng cáo "lòe" mình

Trong bối cảnh quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa thực sự được coi trọng, việc tự trang bị kỹ năng để bảo vệ mình là rất cần thiết. Do vậy, hy vọng mỗi người có thể trở nên thực sự sáng suốt trong mỗi quyết định lựa chọn sản phẩm/dịch vụ cho gia đình, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về đã cận kề.

Tin cùng chuyên mục