Gắn kết để mạnh lên

ANTĐ - Một cuộc “sàng lọc” và đào thải nghiệt ngã diễn ra trong năm qua, để lại hậu quả là hơn 50 nghìn doanh nghiệp phải giải thể. Đó là một quy luật tất yếu, nhưng nó cũng có ý nghĩa và để lại bài học cho các doanh nghiệp đã “gồng mình” vượt qua thách thức đầy cam go, khẳng định bản lĩnh và sức cạnh tranh để tồn tại, đứng vững và vươn lên. Ngay cả với những doanh nghiệp nhà nước cho dù có mạnh đến mấy, nếu không tự chứng tỏ khả năng cạnh tranh thì cũng yếu đi trông thấy. Năm 2012 được dự báo triển vọng kinh tế càng kém đi, độ sâu của khó khăn cũng sâu thêm, tất nhiên kinh tế nước ta sẽ bị “va đập” mạnh hơn.

Kinh tế năm nay phải “thừa hưởng” hệ lụy của những khó khăn trải dài suốt cả năm 2011 cho đến nay. Song, thách thức và khó khăn của năm 2012 không giống như năm 2011 với những biến động lớn, mà kinh tế, sản xuất kinh doanh có xu hướng trầm lắng hơn.

Sự trầm lắng đôi khi còn đáng lo ngại hơn là biến động. Trong một cuộc giao lưu với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở ngày càng sâu rộng với thế giới, vì thế chịu tác động hai chiều từ những “sóng gió” của kinh tế thế giới, nghĩa là cả thách thức lẫn cơ hội đều rất lớn. Lạm phát trong nước đâu chỉ diễn ra trong một vài tháng nay mà đã kéo dài mấy năm gần đây. Vì thế, nhìn toàn cảnh nền kinh tế cũng như “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp chưa thể khởi sắc ngay được. Chí ít phải đến hết quý II năm nay, khi lạm phát giảm xuống, kéo lãi suất hạ thấp, khi đó doanh nghiệp mới có thể lấy lại sức, lấy đà để hồi phục.

Tiếp sức cho doanh nghiệp, Chính phủ cân nhắc những biện pháp giải tỏa khó khăn bằng những điều chỉnh chính sách sinh hoạt, uyển chuyển về tài chính. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ gần đây đã nhen nhóm những tia sáng hy vọng. Cùng với xu hướng lạm phát giảm và nếu không có những “cú sốc” quá lớn từ kinh tế thế giới, thì lạm phát sẽ giảm dần và kỳ vọng giảm lãi suất nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, đó chỉ là dự báo mang tính lạc quan. Bản thân các doanh nghiệp không thể ngồi chờ thời cơ. Tổng giám đốc một công ty lớn đã ví von, các doanh nghiệp hiện đang đứng trên con thuyền trước biển sóng nhấp nhô, thì không nên giương buồm lên cao rất dễ bị lật. Khôn ngoan là phải tính toán lại thị trường, xem lại đống hàng tồn kho, thắt chặt chi phí, đặc biệt đầu tư trong thời điểm hiện nay là điều không nên và không thể. Việc tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 01, nếu không cân nhắc kỹ chỉ mang ý nghĩa về mặt ý thức nhiều hơn. Trong mỗi doanh nghiệp, bản thân người điều hành cao nhất phải biết cái gì cần phải tiết kiệm, điều cần thiết là phải biết tiết kiệm những chi phí không cần thiết. Còn công tác thị trường vẫn phải duy trì làm sao để đồng tiền bỏ ra thị trường phải mang lại hiệu quả. Thách thức cho doanh nghiệp này lại có thể trở thành cơ hội cho doanh nghiệp khác. Trong “làn sóng” lạm phát, doanh nghiệp nào có “sức khỏe” và “bơi” giỏi vẫn có khả năng vượt sóng to gió lớn. Dẫu vậy, điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp nước ta vẫn là thiếu tính liên kết, cộng đồng. Một mình một chợ hay một mình giữa biển dù có thành công đến mấy, dù có trở thành “đại gia” cũng chẳng là gì so với những công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới.

Để nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này và để đủ sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới, không còn con đường nào khác là tăng cường liên kết kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng. Đó cũng chính là đề xuất trong báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với đề án lựa chọn 5 ngành kinh tế có ưu thế để chuỗi liên kết kinh doanh, nâng cao sức mạnh liên kết tạo thành chuỗi giá trị kinh tế Việt Nam gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Gắn kết để trở nên mạnh hơn.