Gần dân hơn nhờ ứng dụng mạng xã hội

ANTD.VN - Từ sự kiện công bố Fanpage của Bộ trưởng đến ứng dụng Zalo, Bộ Y tế đã trở thành một trong những cơ quan Chính phủ dễ kết nối với người dân nhất.

Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp người dân chăm sóc sức khỏe tốt nhất

Cuối tháng 12-2015, khi vaccine dịch vụ 6 trong 1 Pentaxim đang được “săn lùng” ráo riết, việc Bộ Y tế chính thức sử dụng mạng xã hội Zalo để gửi thông báo cho người dân tra cứu các điểm tiêm chủng Pentaxim gần nhất đã nhận được nhiều đánh giá tích cực. 

Tiếp cận dân một cách nhanh nhất

Tháng 3-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trở thành Bộ trưởng đầu tiên đưa trang Fanpage của mình vào hoạt động. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Facebook ngày càng phổ biến tại Việt Nam nên việc bà lập trang Facebook là để được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc, sáng kiến của người dân về công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, từ đó việc nào có thể giải quyết được thì sẽ giải quyết ngay. Đến nay, trang Fanpage chính thức của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có hơn 373.500 lượt theo dõi và liên tục cập nhật các thông tin của Bộ cũng như hoạt động của Bộ trưởng.

Cuối tháng 12-2015, giữa bối cảnh “cháy” vaccine Pentaxim, Bộ Y tế đưa vào ứng dụng Zalo cho phép tra cứu những điểm tiêm chủng gần nhất, rồi tiếp tục tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân để cải thiện chất lượng dịch vụ phục vụ của ngành trên ứng dụng này. Sau đó, một loạt chiến dịch khác được Bộ Y tế phối hợp với Zalo thực hiện như sổ tiêm chủng trên Zalo giúp các bậc cha mẹ dễ dàng theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ hay nhận được tin nhắn khi sắp đến ngày tiêm; cẩm nang phòng chống virus Zika khi dịch bùng phát mạnh. Đến nay, đã có gần 20.000 phụ huynh đang sử dụng sổ tiêm chủng trên Zalo để theo dõi nhật ký tiêm chủng cho con mình.

Với việc ứng dụng mạng xã hội Facebook hay Zalo, Bộ Y tế còn tạo điều kiện cho người dân có thêm kênh để có thể liên lạc tức thì với Bộ nếu gặp bức xúc, nhũng nhiễu liên quan đến cán bộ ngành Y hoặc đơn giản chỉ muốn phản ánh tình trạng thực phẩm bẩn tới Bộ trưởng. Ở đây, Bộ Y tế đã khéo léo ứng dụng xu hướng công nghệ mới để đến gần hơn với người dân. Người dân dùng gì thì Bộ dùng chính công cụ đó để tiếp cận họ. Đây có thể được xem là một minh chứng cho thấy khả năng thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi và bước tiến vượt bậc trong tư duy quản lý, đem lại hiệu quả cao và nhận được sự hoan nghênh, hưởng ứng từ phía người dân.

Kênh giao tiếp rất hiệu quả

Trả lời báo chí về vấn đề này thời điểm đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Bộ Y tế xác định, truyền thông có vai trò rất quan trọng và luôn được ưu tiên “đi trước” khi triển khai các hoạt động của ngành. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, giáo dục sức khỏe là một trong những giải pháp chủ yếu của Chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, mạng xã hội cũng là một kênh truyền thông được Bộ Y tế khuyến khích sử dụng vì đây là một kênh thông tin hiệu quả, có thể tiếp cận người dân một cách nhanh nhất. 

“Chúng tôi đã phát triển mạnh mẽ truyền thông về y tế trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế, các Fanpage của các Vụ, Cục, Tổng cục trên Facebook không chỉ là nơi cung cấp thông tin y tế đơn thuần, mà còn là kênh giao tiếp rất hiệu quả, giúp chúng tôi lắng nghe được tiếng nói của người dân, để kịp thời chấn chỉnh những điều còn bất cập. Nhiều bệnh viện ở tuyến Trung ương và địa phương cũng đang thực hiện truyền thông thông qua mạng xã hội” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông cả trên các phương tiện truyền thông chính thống và mạng xã hội trên nền tảng ứng dụng của các thiết bị di động. “Chúng tôi muốn xây dựng ngành y tế thành một hệ thống truyền thông mạnh và có hiệu quả, giúp người dân chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.