Gần 70 tuổi vẫn mạo nhận sỹ quan nghỉ hưu để lừa "chạy" việc làm

ANTĐ - Là giáo viên nghỉ hưu, song ông Bội không mấy hào hứng với những thú vui tuổi già. Hơn thế, ở cái tuổi gần 70 mươi, cựu giáo viên này vẫn sử dụng những thủ đoạn gian dối để lừa đảo.

Sau nửa ngày xét xử, trưa 24-2, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Xuân Bội (SN 1946, trú ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) 7 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS. Sở dĩ bị cáo này chỉ bị áp dụng mức hình phạt dưới khung là do đã khắc phục hết hậu quả, tuổi cao và có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác.

Giữa tháng 12-2013, thông qua người quen ở cùng địa phương giới thiệu, chị Chu Thị Dung (SN 1971, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) tìm đến gặp Trần Xuân Bội nhờ “lo lót” cho cô con gái được vào học tại một học viện. Tiếp xúc bị hại này, bị cáo mạo nhận từng là cán bộ làm công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nên hoàn toàn có khả năng đáp ứng nguyện vọng của chị Dung.
Gần 70 tuổi vẫn mạo nhận sỹ quan nghỉ hưu để lừa "chạy" việc làm ảnh 1Bị cáo Trần Xuân Bội tại phiên tòa 

Đổi lại, Bội yêu cầu người phụ nữ ở huyện Thạch Thất phải chi 250 triệu đồng. Ngày 27-12-2013, chị Dung “đặt cọc” trước cho Bội 150 triệu đồng. Sau đó, một ngày đầu tháng 2-2014, cựu giáo viên nghỉ chế độ nhận thêm của chị Dung 100 triệu đồng nữa.

Hy vọng và chờ đợi nhưng kết thúc kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, cô con gái của chị Dung vẫn không thể vào trường nhập học như lời Bội cam kết. Nhận thấy Bội không “lo lót” được như lời hứa, chị Dung đòi lại tiền, đồng thời có đơn tố cáo tới cơ quan công an.

Cũng vào cuối năm 2013, Bội tiếp tục mạo nhận là sỹ quan lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu để nhận trước 40 triệu đồng của anh Nguyễn Văn Toán (SN 1968, ở huyện Ba Vì, Hà Nội) với cam kết sẽ nhanh chóng xin cho con gái anh này được vào làm việc tại một trường mầm non, thuộc huyện Ba Vì.

Thế nhưng sau nhiều lần kiếm lý do trì hoãn, Bội vẫn không thể “chạy” được việc làm cho con gái anh Toán. Bị đòi lại tiền, cựu giáo viên nghỉ hưu tiếp tục lần khân không trả. Thậm chí, đối tượng còn không ngừng biến nhiều người khác thành nạn nhân của vụ lừa đảo.

Tại tòa, lão bị cáo thú nhận để các bị hại tin tưởng giao tiền, hồ sơ, khi thì Bội mạo nhận là cán bộ trong ngành giáo dục, lúc lại rêu rao từng là sỹ quan trong lực lượng vũ trang về nghỉ chế độ. Trước các bị hại, Bội luôn quả quyết rằng bản thân có quan hệ rộng nên có khả năng xin học và xin việc làm cho nhiều người với chi phí từ 35 triệu đồng đến 250 triệu đồng.

Bằng thủ đoạn gian dối ấy, từ tháng 6- 2013 đến tháng 1-2015, Bội đã nhận tiền “chạy” đi học và “chạy” việc làm của 6 người ở nhiều địa phương khác nhau với tổng số gần 600 triệu đồng. Thế nhưng cựu giáo viên về hưu này đã không thể “lo lót” được cho bất kỳ trường hợp nào trong số 6 người đã giao tiền và hồ sơ.

Trong quá trình bị điều tra, Bội dần khắc phục hậu quả và tính đến thời điểm phiên tòa sơ thẩm khai mở, bị cáo đã hoàn trả đầy đủ toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại. Do đó, thay vì đề nghị xử lý nghiêm khắc Trần Xuân Bội như ban đầu, tất cả bị hại đều mong muốn tòa án giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trước khi áp dụng mức án 7 năm tù giam nêu trên, HĐXX sơ thẩm khẳng định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt số tiền rất lớn. Tuy nhiên, hiện bị cáo đã khắc phục hết hậu quả, tuổi cao và đang bị bệnh tật nên chỉ cần áp dụng mức hình phạt dưới khung của tội danh bị truy tố cũng đủ sức răn đe, giáo dục.