Gần 70% máy tính và đĩa cài đặt không bản quyền ẩn chứa mã độc

ANTĐ - Một nghiên cứu chuyên sâu về an toàn máy tính của Microsoft được thực hiện tại 5 quốc gia ở Đông Nam Á cho thấy, 69% máy tính và bộ đĩa cài không bản quyền tại các quốc gia này chứa các phần mềm độc hại, nguy cơ lây lan và phát tán virus cao.
Kết quả trên được công bố sau khi Microsoft tiến hành kiểm tra 282 bộ đĩa cài và ổ cứng của các máy tính có thương hiệu bao gồm Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo và Samsung tại 5 quốc gia ở Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. 
So với báo cáo sơ bộ được thực hiện trên 118 mẫu thử đã được công bố vào tháng 12-2012, nghiên cứu chuyên sâu này cho thấy tỉ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao hơn 6%. Đồng thời, phân tích các mẫu thử cũng chỉ ra 5.601 trường hợp nhiễm mã độc thuộc 1.131 loại phần mềm độc hại khác nhau - gấp nhiều lần so với 403 loại phát hiện được từ nghiên cứu sơ bộ. Tỉ lệ lây nhiễm mã độc đã thay đổi đáng kể trong khu vực những năm gần đây. Tại Philippines dù các mẫu kiểm tra có số lượng phần mềm độc hại thấp nhất với 42%, nhưng cứ 2 trong 5 máy tính và DVDs được kiểm tra đều bị lây nhiễm. Tại Việt Nam, nghiên cứu trên 41 ổ cứng và 9 DVDs đưa ra kết quả 66% DVD lậu và 92% ổ cứng bị nhiễm mã độc - cao nhất trong khu vực.

Gần 70% máy tính và đĩa cài đặt không bản quyền ẩn chứa mã độc ảnh 1
Rebecca Hồ, Giám đốc Sở hữu Trí tuệ, Microsoft khu vực Đông Nam Á cho biết: "Nhiều người
tiêu dùng vô tình bị lợi dụng bởi tội phạm mạng dẫn đến máy tính của họ có thể bị làm hư hại nặng
"


Báo cáo cho thấy, mã độc Zeus được đánh giá là phần mềm đặc biệt nguy hiểm. “Loại virus Trojian chuyên đánh cắp mật khẩu Zeus sử dụng cách thức gọi là “keylogging” và các cơ chế khác để đột nhập, tiếp cận nhận dạng tài khoản cá nhân và các dữ liệu nhạy cảm khác của nạn nhân. Theo Báo cáo xu hướng tội phạm mạng 2012 của RSA, Zeus đã gây thiệt hại vào khoảng 1 tỉ đô la Mỹ trên toàn cầu trong 5 năm trở lại đây”, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết.
Cũng theo nghiên cứu, khi sử dụng phần mềm sao chép, quy định về tường lửa Windows đã bị thay đổi trên 97% các thiết bị- điều phần mềm diệt virus thông thường không phát hiện được. Theo báo cáo, các máy tính thương hiệu hàng đầu như Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo và Samsung cũng bị các phần mềm độc hại tấn công, chủ yếu vì ổ cứng bị tháo lắp để cài đặt hệ điều hành và ứng dụng. Trong 1/3 số mẫu thử máy tính thương hiệu, ổ cứng đã được tháo ra và thay bằng ổ cứng có chứa phần mềm giả mạo. Con số này lên đến 50% cho số mẫu thử tại Việt Nam. 
“Nghiên cứu này cho thấy sự nguy hiểm khi sử dụng phần mềm sao chép. Nạn sao chép được coi là một hành động bất hợp pháp. Nhiều người tiêu dùng vô tình bị lợi dụng bởi tội phạm mạng dẫn đến máy tính của họ có thể bị làm hư hại nặng”,  bà Rebecca Hồ, Giám đốc Sở hữu Trí tuệ, Microsoft khu vực Đông Nam Á cho biết.
Thông tin này khiến doanh nghiệp và người dùng khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam không khỏi giật mình trước nguy cơ bị mã độc tấn công ngay trên các thiết bị được cho là tuyệt đối an toàn của các thương hiệu lớn. Quan niệm “mua máy tính có thương hiệu đồng nghĩa với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho máy tính” cần phải xem xét lại. Bà Nguyễn Thị Thủy, một khách hàng đã chia sẻ băn khoăn: “Mua cho con gái đang học trung học máy tính để phục vụ việc học tập nên tôi không muốn cháu gặp phải trục trặc, rủi ro như lây nhiễm virus, mã độc hoặc máy bị theo dõi. Chính vì thế yêu cầu của tôi là phần mềm cài đặt theo máy tính phải chính hãng, đảm bảo. Không có chuyên môn nên tôi không nhận biết được phần mềm đảm bảo ngoài tin vào các cửa hàng thôi”.
Ông Vũ Ngọc Hoan, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch cho biết, “Để giữ thông tin an toàn khỏi các hoạt động tội phạm, mọi người cần lựa chọn địa điểm mua máy tính thiết bị kĩ càng. Quan trọng hơn, họ nên kiểm tra xem các sản phẩm này đã được tích hợp sẵn phần mềm có bản quyền hay chưa. Như nghiên cứu chỉ ra, nhiều cửa hàng bán lẻ tại Đông Nam Á chỉ vì lợi nhuận mà đang bán các máy tính cài đặt phần mềm giả mạo, bị lây nhiễm mã độc cho người tiêu dùng. Quan ngại nhất là khi không biết các sản phẩm kỹ thuật số có nguồn gốc từ đâu, chúng ta sẽ không thể biết nguy cơ kế tiếp là gì”. 
Để bảo vệ mình khỏi những tổn thất gây ra bởi phần mềm lậu, doanh nghiệp và người sử dụng cần thận trọng và chủ động khi quyết định mua các thiết bị máy tính, và phải chắc chắn chúng được cài đặt các phần mềm có bản quyền. Theo Microsoft, người dùng nên mua thiết bị từ các cửa hàng tin cậy, tránh những khuyến mãi khủng “tốt một cách đáng nghi ngờ”. Cần lưu ý kiểm tra sản phẩm được đóng gói nguyên tem và có chứng nhận hàng chính hãng, tham khảo tại www.howtotell.com.