Gần 60 triệu người Việt Nam mua sắm trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại dịch Covid-19 được ví như “chất xúc tác” để thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Mua sắm online trở thành thói quen của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam

Mua sắm online trở thành thói quen của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam

Sách trắng năm 2022 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ TMĐT của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỷ USD.

Ước tính có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD. Thương mại điện tử trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Theo báo cáo e-Conomy 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022. Với mức tăng trưởng 31% trong giai đoạn 2022-2025. Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục từ 120-200 tỷ USD vào năm 2030.

Đồng quan điểm cho rằng TMĐT Việt Nam đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”, bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc Bộ phận Vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam cho hay, trong giai đoạn 2020 – 2021 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến toàn nền kinh tế song TMĐT đã có sự tăng trưởng vượt trội. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17%.

Báo cáo “thay đổi hành trình mua sắm tại Đông Nam Á “Từ nhu cầu tìm kiếm đến trải nghiệm nhận hàng” do Lazada thực hiện vào tháng 9-2022 cho thấy, 76% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mỗi tháng một lần trên TMĐT, 83% người dùng Việt Nam có thói quen tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn TMĐT, 50% các đơn hàng trên TMĐT ở Việt Nam được mua mà không có dự tính. Điều này cho thấy TMĐT tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các nền tảng mua sắm trực tuyến liên tục mở rộng về phạm vi, ngành hàng mua bán. Đồng thời, cải tiến dịch vụ giao nhận hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng.